Nhà đầu tư Trung Quốc hướng tới tiền mã hóa khi chứng khoán ảm đạm

26/01/2024, 21:09
báo nói -

TCDN - Do thị trường chứng khoán, bất động sản giảm sâu, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc tìm cơ hội với tiền mã hóa.

Reuters đưa tin ông Dylan Run, một giám đốc trong lĩnh vực tài chính ở Thượng Hải, đã bắt đầu đầu tư vào tiền mã hóa từ hồi đầu năm 2023, khi nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc và thị trường chứng khoán có dấu hiệu sa sút. 

Giới chức Trung Quốc cấm hoạt động giao dịch và khai thác tiền mã hóa từ năm 2021. Ông Run sử dụng tài khoản từ những ngân hàng thương mại nhỏ tại nông thôn để mua tiền mã hóa thông qua những người bán không chính thức. Mỗi giao dịch có quy mô dưới 50.000 nhân dân tệ (dưới 173 triệu đồng) để tránh gây chú ý. 

“Bitcoin là một tài sản trú ẩn an toàn, tương tự như vàng”, ông Run bình luận. 

nha dau tu 1

Hiện tại, ông đã sở hữu khoảng 1 triệu nhân dân tệ (gần 3,5 tỷ đồng) tiền mã hóa, tương đương khoảng một nửa danh mục đầu tư. Trong khi đó, tỷ trọng nắm giữ chứng khoán đã giảm còn một nửa. 

Trong khi khoản đầu tư tiền mã hóa của ông Run đã tăng giá 45%, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại giảm trong năm thứ ba liên tiếp.

Niềm tin của nhà đầu tư với tiền mã hóa

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm ra những cách sáng tạo để sở hữu Bitcoin và các tài sản mã hóa khác. Họ tin rằng đầu tư vào tiền mã hóa an toàn hơn chứng khoán hay bất động sản tại Trung Quốc. 

Những nhà đầu tư như vậy đang nằm trong vùng xám của pháp luật. Mặc dù tiền mã hóa bị cấm tại đại lục và việc di chuyển vốn qua biên giới bị kiểm soát chặt chẽ, nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch những đồng tiền như Bitcoin trên các sàn giao dịch như OKX hay Binance, hoặc thông qua các kênh phi tập trung. 

Nhà đầu tư tại Trung Quốc cũng có thể mở tài khoản ngân hàng nước ngoài để mua tiền mã hóa. 

Đồng thời, sau khi đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) chấp nhận sở hữu, giao dịch tài sản mã hóa vào năm ngoái, công dân Trung Quốc cũng có thể sử dụng hạn mức mua ngoại tệ trị giá 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) để mua tiền mã hóa tại đây. Tuy nhiên, theo quy định của Trung Quốc, nguồn tiền này chỉ có thể được sử dụng cho mục đích du lịch hoặc giáo dục. 

Một giám đốc cấp cao của một sàn giao dịch tại Hong Kong tiết lộ nền kinh tế Trung Quốc chậm lại “đã khiến việc đầu tư tại đại lục trở nên rủi ro, không chắc chắn và gây thất vọng. Do đó, mọi người tìm cách chuyển đầu tư ra bên ngoài”. 

Bitcoin và tài sản mã hóa đã thu hút những nhà đầu tư này, ông nói và tiết lộ rằng “ngày nào cũng có các nhà đầu tư tại đại lục tìm đến thị trường tiền mã hóa”. 

Không chỉ có nhà đầu tư cá nhân, môi giới và tổ chức tài chính tại Trung Quốc cũng đang tìm đến tiền mã hóa.  “Nếu là môi giới tại Trung Quốc và đối diện với thị trường trì trệ, nhu cầu IPO yếu và những hoạt động kinh doanh khác bị thu hẹp, bạn sẽ cần một câu chuyện tăng trưởng để nói với cổ đông và hội đồng quản trị”, giám đốc cấp cao của sàn giao dịch trên cho hay. 

Chi nhánh tại Hong Kong của Bank of China (một trong 4 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc), China Asset Management (ChinaAMC) và Harvest Fund Management đều đang xem xét các cơ hội kinh doanh liên quan đến tài sản mã hóa ở đặc khu hành chính.

Mua tiền mã hóa không quá khó

Theo kiểm tra của Reuters và phỏng vấn với nhà đầu tư, việc tiếp cận với tiền ảo Bitcoin tại đại lục không quá khó khăn. 

Những sàn giao dịch như OKX hay Binance vẫn cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư Trung Quốc và hướng dẫn họ sử dụng nền tảng fintech như Alipay hay WeChat Pay để chuyển đổi nhân dân tệ sang tiền ổn định (stablecoin). OKX và Binance đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Nền tảng dữ liệu Chainalysis cho thấy các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa tại Trung Quốc đã phục hồi. Thứ hạng trên toàn cầu về giao dịch ngang hàng của quốc gia tỷ dân này đã tăng từ 144 vào năm 2022 lên 13 vào năm 2023. 

Bất chấp việc bị cấm, thị trường tiền mã hóa tại Trung Quốc ghi nhận khối lượng giao dịch trị giá 86,4 tỷ đồng trong giai đoạn kể từ tháng 6/2022 đến 6/2023, cao hơn đáng kể so với kết quả của Hong Kong là 64 tỷ USD, theo Chainalysis. 

Ngoài ra, tỷ trọng giao dịch với quy mô 10.000 đến 1 triệu USD tại Trung Quốc cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 3,6%. Trong báo cáo, Chainalysis nói rằng đa phần hoạt động tại Trung Quốc “diễn ra thông qua những kênh phi tập trung hoặc ngang hàng”. 

Trên các khu phố kinh doanh và mua sắm bận rộn của Hong Kong, những cửa hàng giao dịch tiền mã hóa đã xuất hiện. Những cửa hàng này được kiểm soát một cách lỏng lẻo. 

Ở Crypto HK, một cửa hàng nổi tiếng ở quận Kim Chung, khách hàng có thể mua tiền mã hóa với số tiền tối thiểu là 500 HKD (1,6 triệu đồng) và không phải cung cấp các giấy tờ tùy thân. 

Các thị trường ngầm tại Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ. Ông Michael Wang, người đã giúp nhiều cá nhân mua tài sản mã hóa, cho biết khối lượng giao dịch hàng ngày có thể từ vài triệu nhân dân tệ đến hàng chục triệu. 

Charlie Wong, một nhà phân tích chứng khoán, đã mua Bitcoin thông qua sàn Haskey, được đăng ký tại Hong Kong. 

“Thật khó để tìm cơ hội ở những lĩnh vực truyền thống. Chứng khoán Trung Quốc và những tài sản khác có kết quả kém, còn nền kinh tế thì đang trong quá trình chuyển dịch”, ông nói. 

Ông Wong tin rằng các quan chức Trung Quốc hiểu rõ tiềm năng của Bitcoin và chấp nhận hoạt động giao dịch tiền mã hóa tại Hong Kong nhằm giữ chỗ đứng trong thị trường tiền mã hóa. Trong báo cáo của mình, Chainalysis cho rằng những diễn biến trên “đã tạo ra những đồn đoán rằng chính phủ Trung Quốc đang cởi mở hơn với tiền mã hóa và Hong Kong có thể là nơi để thử nghiệm”. 

Tùng Lâm/Reuters
Bạn đang đọc bài viết Nhà đầu tư Trung Quốc hướng tới tiền mã hóa khi chứng khoán ảm đạm tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan