Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động: Quy định cụ thể, thống nhất tránh lạm quyền

16/02/2022, 07:17

TCDN - Do thực hiện quyền hạn cảnh sát cơ động có liên quan nhiều đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.

Sáng 15/2, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung làm việc.

Cho ý kiến tại phiên họp, về phương án hoàn thiện dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệnêu rõ, cần bám sát Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 8/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới. Nhấn mạnh, Nghị quyết số 40-NQ/TW ghi rõ: tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chống bạo loạn khủng bố, bố trí lực lượng này ở những địa bàn trọng điểm, với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát toàn bộ dự án luật này đã đảm bảo được nguyên tắc và yêu cầu đề ra tại Nghị quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan trong thực hiện chức năng nhiệm vụ cảnh sát cơ động đặc biệt trong quá trình thực hiện biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động.

“Khi thực hiện các biện pháp vũ trang của lực lượng chức năng nói chung và lực lượng cảnh sát cơ động nói riêng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân,… trong đó có cả trong nước và quốc tế. Do đó, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu có điều khoản quy định về giải thích từ ngữ. Quy định này cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Luật Cảnh sát cơ động sau khi ban hành có tính khả thi cao, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Nhấn mạnh việc thực hiện quyền hạn cảnh sát cơ động có liên quan nhiều đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền như trường hợp vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài,…

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho hay, cơ bản các ý kiến của UBTVQH tán thành với các nội dung tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo.

Về giải thích từ ngữ, cần phân tích làm rõ hơn lý do không quy định điều này và nên cân nhắc quy định rõ về biện pháp vũ trang, sử dụng biện pháp vũ trang và một số khái niệm khác mà các luật khác chưa quy định. Đây là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần tổ chức xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về khái niệm này cho tập trung, tổ chức hội thảo, tọa đàm làm rõ khái niệm này để đưa vào quy định trong luật đảm bảo tính chính xác. Ngoài ra, một số khái niệm khác trong chức năng, nhiệm vụ cần tiếp tục nghiên cứu rà soát và giải thích rõ.

Về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, UBTVQH cơ bản nhất trí các nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu quy định bảo đảm tính khái quát, rõ ràng hơn, làm căn cứ quy định các nội dung khác của dự thảo luật.

Về các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, UBTVQH cho rằng, trong 12 nhóm này mới chọn 3 vấn đề quy định cụ thể còn lại các quy định khác mà các luật khác đã quy định rõ thì không cần quy định lại nhưng cần rà soát cho cụ thể và nhiệm vụ của cảnh sát cơ động. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là một trong những nội dung quan trọng dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản rõ, nội dung giải trình có căn cứ. Tuy nhiên, đề nghị rà soát làm rõ hơn nhiệm vụ chủ trì phối hợp của cảnh sát cơ động trong thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tránh chồng chéo với các lực lượng khác và cần phải điều chỉnh, viết lại Điều 8, Điều 10, Điều 12 cho gọn và rõ nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Về quyền hạn của cảnh sát cơ động, UBTVQH cho rằng dự thảo đã dự kiến tiếp thu, chỉnh lý về quyền hạn cảnh sát cơ động thể hiện được quan điểm của đại biểu Quốc hội không chồng chéo về quyền hạn với lực lượng khác. Tuy nhiên, do thực hiện quyền hạn cảnh sát cơ động có liên quan nhiều đến hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, quyền về tài sản được pháp luật bảo hộ. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể, thống nhất, rõ ràng hơn, bảo đảm khả thi, thuận lợi và tránh lạm quyền.

Về phối hợp giữa cảnh sát cơ động và cơ quan tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, UBTVQH yêu cầu cần nhấn mạnh sự chỉ huy thống nhất, sự lãnh đạo tập trung và việc chủ trì phối hợp với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ.

Về hỗ trợ từ ngân sách địa phương, quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động: Quy định cụ thể, thống nhất tránh lạm quyền tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan