ECB chọn giải pháp "án binh bất động" để cứu nền kinh tế

17/07/2020, 08:34

TCDN - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất và chương trình kích thích khẩn cấp trong khi họ theo dõi sức mạnh kinh tế của khu vực đồng euro.

Hôm 16/7, ECB tuyên bố họ sẽ tiếp tục chương trình kích thích kinh tế khổng lồ mà họ công bố hồi tháng 3 để giảm thiểu cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID-19. Tháng trước, ECB tăng thêm 600 tỉ euro cho Chương trình Mua sắm Khẩn cấp chống dịch (PEPP), nâng qui mô của chương trình kích thích kinh tế lên 1,35 nghìn tỉ euro (1,54 nghìn tỉ USD), với lộ trình triển khai tới tận tháng 6/2021, hoặc tới khi ECB tin rằng khủng hoảng đã chấm dứt.

Trong một tuyên bố kèm theo quyết định hôm 16/7, ECB nhận định hoạt động mua tài sản theo PEPP sẽ tiếp tục được tiến hành “một cách linh hoạt” theo thời gian, với nhiều loại tài sản và phạm vi quyền hạn. Lãi suất đối với hoạt động tái cấp vốn chính của ECB vẫn duy trì ở mức 0% và lãi suất đối với các công cụ cho vay thanh khoản và và tiền gửi qua đêm vẫn ở mức lần lượt là 0,25% và -0,5%.

Christine Lagarde2

ECB kì vọng lãi suất sẽ tiếp tục ở mức hiện tại hoặc thấp hơn tới khi họ thấy triển vọng lạm phát cùng tăng mạnh lên một mức đủ gần, nhưng vẫn thấp hơn, 2% trong biên độ mà họ dự tính.

Euro chỉ thay đổi rất nhỏ so với USD sau quyết định của ECB, dao động quanh mức 1,14 USD.

Dự báo kinh tế mới nhất từ ECB chỉ ra rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng euro có thể giảm 8,7% trong năm nay. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo khu vực đồng euro có thể giảm tới 10,2% trong năm 2020.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 16/7, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, nhận định rằng mặc dù hoạt động kinh tế bắt đầu tăng, quá trình phục hồi mới đang ở giai đoạn khởi đầu và vẫn chưa đồng đều trên các lĩnh vực và khu vực, khiến triển vọng vẫn “bất ổn cao độ”.

Bà Lagarde nhấn mạnh rằng ECB đã mua lượng trái phiếu trị giá hơn 360 tỉ euro tới tận cuối tháng 6 và giờ đây tiến độ mua đã bắt đầu giảm, do sự ổn định thị trường tài chính và nguy cơ phân mảnh giảm.

Chủ tịch ECB cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí về một gói tài khóa, nhấn mạnh rằng một quan điểm tài khóa mang tính phối hợp vẫn là yếu tố quan trọng, và phải bao gồm 3 hệ thống giải pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp và quốc gia.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ họp trong Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu cuối tuần này để thương lượng về Quỹ Phục hồi EU trị giá 750 tỉ euro.

“Khi ECB chuyển sang chế độ chờ đợi trong phần còn lai của mùa hè, trọng tâm sẽ chuyển sang Quỹ Phục hồi EU và ngân sách dài hạn”, Anna Stupnytska, nhà kinh tế vĩ mô toàn cầu của tổ chức Fidelity International, phát biểu.

Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự phục hồi hoạt động kinh tế, trùng hợp với tình trạng nhiều quốc gia châu Âu bỏ các biện pháp phong tỏa. Mặc dù vậy, hai thành viên trong ban lãnh đạo ECB vẫn tỏ ra thận trọng về nhịp độ phục hồi kinh tế.

Ông Philip Lane, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế ECB, từng cảnh báo trong một bài phát biểu hồi tháng trước rằng nhu cầu yếu, những gián đoạn nguồn cung chưa chấm dứt và những giải pháp giãn cách xã hội đang kìm hãm sự bình thường hóa của hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, Klaas Knot, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan, từng nói trong một diễn đàn trực tuyến hồi tháng 6 rằng “hoạt động kinh tế sẽ chỉ phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 vào thời điểm cuối trong dự báo của chúng tôi, tức là cuối năm 2022”.

Việt Linh
Bạn đang đọc bài viết ECB chọn giải pháp "án binh bất động" để cứu nền kinh tế tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Châu Âu muốn Việt Nam mở lại đường bay quốc tế
Châu Âu vừa gia nhập vào "câu lạc bộ" các nền kinh tế kêu gọi Việt Nam nối lại dịch vụ bay quốc tế vì nước ta đã gần như sạch bóng đại dịch và là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng.
Gian nan hành trình đưa khẩu trang vải đến Mỹ và châu Âu
Gặp khó khăn do đứt đơn hàng tại châu Âu và Mỹ - hai thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam - do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp trong ngành này chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng vải.