Gian nan hành trình đưa khẩu trang vải đến Mỹ và châu Âu

17/04/2020, 08:56

TCDN - Gặp khó khăn do đứt đơn hàng tại châu Âu và Mỹ - hai thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam - do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp trong ngành này chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng vải.

Hành trình đưa chiếc khẩu trang đến với các thị trường đang có nhu cầu cao nhưng khó tính này không hề thuận lợi và dễ dàng.

Những thị trường quen thuộc nhưng khắt khe

Công văn mới nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam trình lên Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch bệnh bùng nổ tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ hai thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng tới hết tháng tháng 4, thậm chí có đối tác tạm thời ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6.

Một trong những doanh nghiệp đang bị gián đoạn rất nhiều đơn hàng về xuất khẩu quần áo sang thị trường Mỹ và EU là Tổng công ty 28. Doanh nghiệp này đang xoay xở bằng phương án sản xuất khẩu trang vải để đưa vào các thị trường quen thuộc của mình.

75dea_may_08_400

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 28, cho biết doanh nghiệp đã gửi mẫu và đơn chào hàng sản phẩm khẩu trang vải đi thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản và EU được hơn 2 tuần qua. Hiện tại, doanh nghiệp đang chờ đơn đặt hàng từ các đối tác nhập khẩu, để từ đó có cơ hội tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh yêu cầu tiêu chuẩn khá cao của các đối tác, Tổng công ty 28 cũng ghi nhận được mỗi quốc gia đòi hỏi một tiêu chuẩn khác nhau đối với dòng sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn. Việc sản xuất mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn để xuất khẩu không chỉ đáp ứng theo quy định 870 của Bộ Y tế là đủ, do đó, doanh nghiệp đánh giá việc thương mại hóa sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) vừa xuất khẩu những lô hàng đầu tiên là những chiếc khẩu trang 3 lớp - kháng giọt bắn, kháng khuẩn và bảo vệ da tới thị trường Mỹ và một số nước tại châu Âu như Ba Lan, Hà Lan.

Mỗi thị trường nói trên sẽ nhập khẩu 20.000 - 50.000 chiếc, dự kiến hàng sẽ đến tay khách vào tuần tới. Trước khi xuất đi những lô hàng này, Vitajean đã gửi hàng mẫu cho một số đối tác xem xét đánh giá về chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Vitajean, cho biết may khẩu trang vải không khó nhưng cái khó là phải đáp ứng quy định và thủ tục của nhà nhập khẩu. Bởi việc đạt yêu cầu khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 của các nước châu Âu và Mỹ hết sức khó khăn.

Vitajean phải trải qua những yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn đề ra của các đối tác cũng như nước nhập khẩu, bao gồm việc minh bạch hóa toàn bộ thông tin sản phẩm trong hợp đồng với đối tác nhập khẩu. Đơn cử như cấu trúc thành phần vải, hàm lượng hóa chất, cam kết về khả năng kháng khuẩn của sản phẩm, và kết quả kháng khuẩn... chưa kể, mỗi đợt xuất hàng đi nhà sản xuất phải cung cấp về kết quả kiểm tra đạt tiêu chí phòng chống dịch theo quy định của nước sở tại.

Bên cạnh đó, theo một số doanh nghiệp, việc có được hứng nhận Oeko-Tex Standard 100 về xuất xứ nguyên liệu vải để từ đó xuất khẩu khẩu trang vào Mỹ và châu Âu cũng là điều không dễ dàng. Quy trình thẩm định, đánh giá để đạt chứng nhận này không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển nhằm phòng chống dịch.

Không riêng hai doanh nghiệp kể trên, hiện có khá nhiều doanh nghiệp may mặc khác trong nước cũng bị giảm sút đơn hàng quần áo từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nên đang chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang vải nhằm duy trì hoạt động và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương mới đây ghi nhận, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Gian nan gia nhập chuỗi cung ứng

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Đến nay, một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp nội địa còn có thể nâng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế nguồn nguyên liệu sản xuất mặt hàng khẩu trang này không đơn giản là nhà sản xuất tự tìm bất cứ nguồn cung hoặc quốc gia nào mà phải tuân thủ theo quy định của nhà nhập khẩu hoặc quốc gia nhập khẩu.

Đơn cử, trường hợp Công ty TNHH Việt Thắng Jean, theo ông Phạm Văn Việt, một số đối tác yêu cầu nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm khẩu trang phải nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Hay đối với hóa chất là phải lấy từ thị trường châu Âu, Nhật Bản hoặc Thái Lan... Như vậy, ở Việt Nam đối với Vitajean gần như chỉ có công đoạn may thành phẩm khẩu trang.

d3de6_may_11_600

Ngoài ra, theo ông Việt mỗi quốc gia lại đòi hỏi một tiêu chuẩn khác nhau đối với loại sản phẩm này nên các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang đi nước ngoài cũng đang còn gặp một số khó khăn. Do vậy, một số doanh nghiệp đề nghị các Đại sứ, Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ để làm các thủ tục xuất khẩu và tư vấn cho doanh nghiệp các giải pháp để có thể xuất khẩu nhanh hơn vào các thị trường.

Một thách thức nữa theo ông Việt, trong bối cảnh các nước phòng ngừa dịch bệnh và giãn cách xã hội, nhiều nền kinh tế tại châu Âu hủy hoặc tạm dừng chuyến bay nên việc chuyển hàng hóa khẩu trang từ Việt Nam sang các nước trong khu vực này cũng cực kỳ khó khăn.

Khó khăn lớn nhất mà tất cả các nhà sản xuất Việt Nam phải đối mặt, đó là thói quen sử dụng khẩu trang của người dân tại các thị trường nhập khẩu. Lãnh đạo của một doanh nghiệp đề nghị không nêu tên cho biết, gần 3 tuần này công ty của ông đã gửi sản phẩm mẫu đến những đối tác làm ăn ở nhiều nước trong khu vực châu Âu, Mỹ nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi để thực hiện đơn hàng nào.

Theo vị doanh nhân này, một số đối tác cho biết người dân khu vực châu Âu chỉ sử dụng khẩu trang y tế, không có thói quen sử dụng khẩu trang vải giặt đi giặt lại nhiều lần để tái sử dụng, nên điều này rất cản trở việc xuất khẩu sản phẩm khẩu trang vải của doanh nghiệp may mặc Việt Nam.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, với năng lực của ngành dệt may trong nước, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Và để biến tiềm năng thành hiện thực, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần tính đến một số yếu tố.

Đó là trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa trở nên phổ biến. Vì vậy, theo cơ quan này cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người sử dụng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Mặt khác, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

c21b0_may_13_600

Cục Xuất nhập khẩu cũng lo ngại, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, song khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý rằng, để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt cũng cho rằng, hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp trong số vài chục đối tác ở hai thị trường Mỹ và EU của Vitajean đã có nhã ý đặt hàng khẩu trang vải của công ty. Tuy nhiên, theo ông Việt, Vitajean không có kỳ vọng vào việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm này lâu dài.

"Chúng tôi không nghĩ tới việc có doanh thu, có lợi nhuận và tăng trưởng từ xuất khẩu khẩu trang vải. Mục đích chính yếu của việc xoay xở này là có được việc làm cho công nhân, qua đó giữ được công nhân có tay nghề để phục hồi sản xuất sau dịch", ông Việt chia sẻ, và thừa nhận sự bền vững cho nhóm mặt hàng này chưa thể khẳng định.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang có tính năng cao, trong nước chỉ chủ động được nguyên liệu vải kháng khuẩn và giọt bắn...

Không riêng Vitajean, nhiều doanh nghiệp may mặc khác cũng cho rằng việc sản xuất khẩu trang vải hiện nay chỉ mang tính xoay xở tình thế trong bối cảnh đơn hàng quần áo bị "đóng băng", nhằm tạo việc làm cho người lao động hiện nay, không phải là kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài.

Theo Kinh tế Sài Gòn

Bạn đang đọc bài viết Gian nan hành trình đưa khẩu trang vải đến Mỹ và châu Âu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hiệp hội dệt may kiến nghị miễn phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Đại diện Hiệp hội dệt may kiến nghị Bộ LĐ-TBXH miễn toàn bộ việc đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2020, sau đó cho hoãn đóng đến tháng 12/2020 đối với phần của người sử dụng lao động và miễn đóng phần của người lao động; Miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.