FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Finance, VPBank, SHB bị Moody’s xem xét hạ tín nhiệm

09/04/2020, 17:55

TCDN - Ba công ty tài chính mà Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm là FE Credit, Home Credit và SHB Finance. Hai ngân hàng liên đới bị xem xét hạ bậc tín nhiệm là VPBank (sở hữu FE Credit) và SHB (sở hữu SHB Finance).

Theo Moody’s, sự lan rộng, bùng phát nhanh chóng của Covid – 19 đã làm suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu. Giá dầu, giá tài sản giảm đang tạo ra một cú sốc tín dụng nghiêm trọng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, khu vực và thị trường.  

“Ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương. Việc xem xét hạ tín nhiệm của Moody’s phản ánh mức độ nghiêm trọng của cú sốc Covid 19 tới các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam và ngân hàng mẹ, đặc biệt là sự suy giảm chất lượng tín dụng mà dịch bệnh gây ra”, báo cáo của Moody’s nhận định.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đi lại của người dân, cùng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc. Chính phủ cũng đã thực hiện cũng đã công bố nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như hạ lãi suất điều hành, khuyến khích các tổ chức tài chính hỗ trợ cho những doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời hoãn các khoản thanh toán an sinh xã hội. Moody’s cho rằng, thành công của biện pháp này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian kéo dài của dịch bệnh. 

Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 2 ngân hàng VPBank và SHB

Moody’s xem xét hạ tín nhiệm 2 ngân hàng VPBank và SHB

Việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của FE Credit, Home Credit và SHB Finance cho thấy quan điểm của Moody’s rằng cú sốc kinh tế do Covid-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính. 

FE Credit, Home Credit và SHB Finance là những công ty tài chính tiêu dùng hoạt động mạnh tại Việt Nam. Những công ty này có các sản phẩm cho vay không đảm bảo và nhắm tới phân khúc dân số có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp, dự kiến sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay trong phân khúc này, do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế. 

Với VPBank, Moody’s cho rằng, cơ quan này xem xét hạ tín nhiệm với ngân hàng là trên cơ sở đánh giá tác động tiêu cực của FE Credit tới ngân hàng hợp nhất. Dư nợ tín dụng của FE Creidt chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng hợp nhất của VPBank nhưng lại là yếu tố thúc đẩy doanh thu chính, đóng góp vào khoảng 43% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng.

Vì vậy, việc FE Credit suy yếu sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VP Bank. Bên cạnh lo ngại về lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Moody’s cũng lưu ý đến chất lượng cho vay một số lĩnh vực khác của VPBank như: bán buôn và bán lẻ, xuất khẩu, các lĩnh vực liên quan đến du lịch.

Ba công ty tài chính mà Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm là FE Credit, Home Credit và SHB Finance

Ba công ty tài chính mà Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm là FE Credit, Home Credit và SHB Finance

Cũng với lý do tương tự, Moody’s cho rằng, sự suy giảm chất lượng tín dụng của SHB Finance chỉ tác động khiêm tốn đến ngân hàng mẹ SHB vì hiện Công ty tài chính SHB mới chỉ chiếm 1% tổng tài sản hợp nhất vào cuối tháng 6/2019. Mặc dù chất lượng tài sản của SHB đã được cải thiện vào năm 2019, song Moody’s vẫn xem xét hạ tín nhiệm của ngân hàng này do lo ngại đến các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), hiện chiếm 31% tổng dư nợ tại SHB. 

So với các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng khác, dự trữ tổn thất cho vay và vốn hóa của SHB rất yếu và sẽ cung cấp ít bộ đệm chống lại rủi ro gia tăng.Việc nâng cấp cho những TCTD trên là không thể, nhưng việc hạ bậc thì đang được Moody’s xem xét. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm này có thể xác nhận xếp hạng với triển vọng ổn định hoặc tiêu cực phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. 

Riêng với 3 công ty tài chính là Home Credit, FE Credit và SHB Finance, việc xem xét hạ bậc tín nhiệm của Moody sẽ dựa vào đánh giá khả năng quản lý rủi ro tín dụng và thanh khoản của các công ty. Hãng xếp hạng này cũng tập trung vào đánh giá hiệu quả của các phản ứng chính sách trong nước và toàn cầu trong việc hỗ trợ tăng trưởng, mức độ lây lan và tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế. Việc hạ xếp hạng sẽ xảy ra nếu khả năng thanh toán và khả năng thanh khoản của các công ty suy yếu do dịch bệnh kéo dài và quản lý rủi ro yếu kém.

Với hai ngân hàng mẹ là VPBank và SHB, xem xét, đánh giá của Moody sẽ tập trng vào chất lượng của các khoản vay tài chính tiêu dùng cũng như khoản vay các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, BCA của các ngân hàng này có thể bị hạ cấp nếu khả năng thanh toán của các ngân hàng suy yếu do sự bùng phát kéo dài của dịch bệnh.           

Thành Công (t/h)
Bạn đang đọc bài viết FE Credit, Home Credit Việt Nam, SHB Finance, VPBank, SHB bị Moody’s xem xét hạ tín nhiệm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Gom cổ phiếu quá tay, Chủ tịch VPBank 'xơi' án phạt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vì đã có hành vi vi phạm “giao dịch không đúng thời gian đã đăng ký”.