Ghé đất thành Nam xem “công nghệ” kiếm bạc tỷ nhờ những mảnh vải vụn

06/07/2020, 12:49

TCDN - Sau nhiều lần sử dụng các cách khác nhau nhưng đều thất bại, anh Tài nghĩ ra sáng kiến dùng vải vụn để xén, nghiền nhỏ rồi trộn hỗn hợp với đất cùng phân hữu cơ tự nhiên ủ vào các gốc vây. Việc pha trộn lập tức cho kết quả khả quan, qua đó cho năng suất và doanh thu tiền tỷ.

Về thăm xã Minh Thuận (huyện Vụ Bản, Nam Định) trong những ngày oi ả, đoàn phóng viên hỏi thăm đến trang trại cây ăn quả của anh thanh niên có biệt danh “Tài ổi” người dân trong vùng không ai không biết. Bởi nhiều năm qua anh đã có một sáng kiến độc đáo để “bắt” đất cằn cỗi phải đơm hoa kết trái…

Năm 2016, anh Nguyễn Tú Tài, sinh 1983 (quê ở xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên) có thầu gần 3 héc-ta diện tích đất ruộng cao, khó canh tác tại xứ Đồng, thôn Hướng Nghĩa, xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản để làm trang trại kết hợp. Đây vốn là cánh đồng bỏ hoang do chất đất xấu (đất pha cát), lại có chân ruộng cao nên khó giữ nước, thế nên diện tích trên bị bỏ hoang nhiều năm cho cỏ mọc.

Anh Nguyễn Tú Tài bên những mảnh vườn dày công vun đắp.

Anh Nguyễn Tú Tài bên những mảnh vườn dày công vun đắp.

Thế rồi cơ duyên đã đến với Nguyễn Tú Tài, anh đã tiếp tục tham gia thử thách làm trang trại trên chính mảnh đất từng làm nhiều người trắng tay. Bản thân sinh ra ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - vốn được xem là cái nôi chuyên canh rau màu, cây ăn quả, cây cảnh. Anh Tài đã vận dụng và thử nghiệm một số kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác để cải thiện tình hình dinh dưỡng của đất trên trang trại của mình.

Sau một thời gian canh tác, anh Tài phát hiện nguyên nhân cây cối không phát triển được vì chất đất ở đây thiếu ẩm, giữ nước kém do đất pha nhiều cát. Anh đã đi thu gom rơm và cỏ bổi về ủ ẩm cho cây, bước đầu cũng có tác dụng, tuy nhiên áp dụng được khoảng 1 - 2 vụ anh nhận thấy ủ bằng cỏ và rơm hay phát sinh các loại nấm mốc gây hại cho cây trồng, đặc biệt là bệnh thối rễ khiến cây bị chết héo. Tiếp đó, anh đã thử nhiệm loại phân vi sinh là chế phẩm của một đơn vị môi trường, tuy nhiên vẫn không cho kết quả khả quan.

Nhận thấy từ việc nhiều người dùng bông gòn giữ nước để làm giá đỗ sạch, anh Tài đã nghĩ ra sáng kiến dùng vải vụn (là phế phẩm của một số cơ sở may mặc trên địa bàn) để xén, nghiền nhỏ rồi trộn hỗn hợp với đất cùng phân hữu cơ tự nhiên ủ vào các gốc vây. Việc pha trộn lập tức cho kết quả khả quan, đất giữ ẩm lâu hơn, tơi xốp hơn, tăng khả năng khuếch tán oxy và carbon, tăng sự trợ giúp đắc lực cho cây trồng phát triển.

Đồng thời, những chất dinh dưỡng từ phân bón nguồn hữu cơ cũng được lưu lại lâu hơn, không bị rửa trôi hay thẩm thấu nhanh vào đất, vừa ngăn ngừa các loại bệnh nấm…Từ đó, bài toán khó nhất là khâu bổ sung dinh dưỡng và giữ ẩm cho đất và chống lại các loại sâu bệnh gây hại cho dễ cây trồng đã được giải quyết. Cơ duyên đã đến với anh Tài, anh đã thuần phục được vùng đất “khó tính” này…

Hiện nay trang trại của anh Tài có tổng số 2.000 cây ổi ăn quả; 4.000 gốc bưởi nhân giống, và 300 cây bưởi ăn quả kết hợp với chăn nuôi lợn, gà, thả cá. Ổi cho thu hoạch khoảng 40 tấn/năm; cộng cả ổi, bưởi và chăn nuôi kết hợp, một năm bình quân cho anh Tài thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương.

Điều đặc biệt nữa, do các sản phẩm hoa quả của anh Tài đều được trồng cấy hữu cơ tự nhiên, không sử dụng phân hóa học, và thuốc bảo vệ thực vật nên mỗi lứa quả cứ sát thời điểm thu hoạch là thương lái các nơi nườm nượp tìm về tận vườn thu mua.

Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho cây trồng, anh Tài cho biết thành phần 100% là phân bón hữu cơ tự nhiên, tuyệt nhiên không sử dụng một thành phần phân bón hóa học nào. Theo đó anh đã dùng phế phẩm của đỗ tương ngâm, cá ngâm, phân gà, vỏ trấu, vỏ chứng gà vịt, và thành phần quan trọng nữa là vải vụn được xén nhỏ, nghiền nhỏ sau đó pha trộn thành hỗn hợp ủ lên men rồi bón cho cây trồng theo tỷ lệ nhất định…Cả việc làm cỏ chăm sóc cho cây, anh Tài cũng dùng phương pháp dẫy thủ công và dùng máy xén cỏ để thân thiện môi trường.

Sáng kiến giữ ẩm tốt và đảm bảo dinh dưỡng đã giúp cây ổi trong trang trại cho ra các lứa quả thu hoạch liên tục, kế nhau trong năm ngoài hai vụ chính, việc này đã tạo ra hiệu suất tối đa khi canh tác trên cùng một diện tích đất. Do mọi quá trình chăm sóc cho cây phát triển tự nhiên nên khi thu hoạch có quả ổi bo chín nặng gần 800g...

Trao đổi về mô hình trang trại của anh Nguyễn Tú Tài, đồng chí Nguyễn Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thuận, người từng gắn bó với quản lý lĩnh vực nông nghiệp nhiều năm khi còn làm Phó Chủ tịch xã cho biết: “Trang trại cây ăn quả của anh Tài vốn là cánh đồng chân ruộng cao khó canh tác của địa phương. Hơn nữa ở đây là chân đất pha cát nên rất khó giữ nước, trồng cấy hay bị chuột bọ, đã có một thời gian nơi đây bị bỏ hoang vì không thể trồng cấy.

Sau đó có một số người từng đấu thầu để tăng gia sản xuất, tuy nhiên không hiệu quả…Phải đến khi anh Nguyễn Tú Tài bắt tay vào làm, thì mô hình thực sự hiệu quả, cho thu nhập cao, và là mô hình mẫu cho địa phương chúng tôi dùng tuyên truyền, nhân rộng trong xã, trong huyện. Ngoài việc tập chung lao động sản xuất trong trang trại của mình, anh Tài còn nhiệt tình giúp đỡ về kỹ thuật làm trang trại nông nghiệp cho nhiều người địa phương..”.

Nói về những hạn chế cơ bản trong canh tác hoa quả sạch theo hướng hữu cơ, chủ trang trại Nguyễn Tú Tài cởi mở chia sẻ, do không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng nên trong quá trình kết trái còn có tỷ lệ quả bị hao hỏng cao, thậm chí tỷ lệ hỏng có năm lên đến 30%. Tuy nhiên cây đậu được quả nào là ăn chắc quả đó, do chăm sóc thuần hữu cơ nên mã ngoài sáng đẹp tự nhiên, chất lượng ngon, bán được giá, và các thương lái quen chỉ chờ có hàng là về thu mua rồi đưa đi tiêu thụ ở một số thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Bí thư thôn Hài Thông, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), người từng được anh Tài hỗ trợ đắc lực về kỹ thuật khi làm trang trại cho biết: Tôi đã được anh Tài chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về làm trang trại, nhất là sáng kiến dùng vải vụn pha trộn để giữ ẩm và giữ dinh dưỡng trong đất. Hiện nay, tôi đã xây dựng được trang trại theo mô hình VAC thực sự ưng ý, tạo cho gia đình khoản thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi mong muốn sáng kiến của anh Nguyễn Tú Tài ngày càng được nhân rộng, nhất là ở các địa phương đất đai bạc màu khô cằn, khó canh tác như ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, bởi từ thực tế đã triển khai, tôi thấy sáng kiến này rất khả quan và hiệu quả có tính khả dụng cao.

Có thể thấy, sáng kiến của anh Nguyễn Tú Tài khi áp dụng vào lĩnh vực trồng trọt không chỉ mang lại những hiệu quả kinh tế ở những địa bàn đất đai nghèo dinh dưỡng, đất khó canh tác, mà nó còn góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, khi tận dụng cả những thứ tưởng chừng chỉ bỏ đi như những dải vải vụn vô dụng, lại có những tác dụng không ngờ trong khâu giữ ẩm, giữ dinh dưỡng, tăng năng xuất cho cây trồng…

Nghi Sơn
Bạn đang đọc bài viết Ghé đất thành Nam xem “công nghệ” kiếm bạc tỷ nhờ những mảnh vải vụn tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ngày mai, Thủ tướng sẽ đối thoại với nông dân
Với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản", hội nghị lần này có sự tham dự của 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo bà con nông dân.