Giá dầu châu Á lao dốc sau đàm phán Nga - Ukraine

30/03/2022, 08:01

TCDN - Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều 29/3 khi vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Hãng tin AFP, dầu thô Brent chuẩn châu Âu và dầu WTI tại New York giảm khoảng 5-6% do các thương nhân bớt lo ngại về nguồn cung dầu của Nga khi có tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul giữa Nga và Ukraine.

Cụ thể, cuối ngày 29/3 ở châu Âu, dầu Brent giảm 5% xuống còn 106,88 USD/thùng. Dầu WTI (thị trường Mỹ) giảm 6% so với hôm trước, còn 99,58 USD.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán lớn của châu Âu cũng tăng điểm, thị trường Frankfurt tăng 3,5%, Paris tăng 3,1%, London tăng 1,2%.

Sau đàm phán Nga - Ukraine giá dầu lao dốc.

Sau đàm phán Nga - Ukraine giá dầu lao dốc.

Đồng rúp của Nga cũng tăng 10% so với đồng USD và 1,2% so với đồng euro.

Cuộc đàm phán hòa bình quan trọng giữa Nga và Ukraine kết thúc với những tín hiệu vui. Trưởng đoàn đàm phán Ukraine cho biết có tiến triển trong giải quyết xung đột với Nga để có thể tổ chức họp giữa tổng thống hai nước.

Phía Nga quyết định cắt giảm mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Kiev và Chernihiv ở Ukraine để tạo sự tin cậy lẫn nhau và các điều kiện cần thiết để các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra.

Ông Bjarne Schieldrop, chuyên gia phân tích Công ty nghiên cứu SEB, nói với AFP: "Đây là lần đầu tiên trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chúng ta thấy dấu hiệu của việc giảm các hoạt động quân sự từ phía Nga. Giờ đây, thị trường cũng hy vọng thực sự có thể có một con đường phía trước".

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine và chiến sự đã diễn ra đến tuần thứ 5, làm giá dầu tăng vọt, thị trường chứng khoán lao dốc.

Đồng rúp của Nga cũng giảm xuống mức chưa từng có so với đồng USD trong những tuần gần đây.

Diễn biến ngày 29/3 làm tăng khả năng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau để kết thúc chiến sự. 

Các chuyên gia cũng nhận định việc Thượng Hải đóng cửa để hạn chế sự lây lan  dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết Thượng Hải chiếm khoảng 4% lượng dầu tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc.

Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại NLI Research Institute nhận định rằng áp lực bán dầu sẽ gia tăng do thị trường lo ngại Trung Quốc có thể áp đặt thêm các hạn chế đi lại ở những nơi khác để kiềm chế đại dịch.

Thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp ngày 31/3 của Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Nhu cầu trên toàn thế giới đã tăng lên gần mức trước đại dịch, nhưng nguồn cung chưa đáp ứng đủ do OPEC+ đã chậm chạp trong việc khôi phục sản lượng sau các đợt cắt giảm trong đại dịch năm 2020.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Giá dầu châu Á lao dốc sau đàm phán Nga - Ukraine tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá dầu thô tiếp tục tăng gần 7%
Thị trường xăng dầu hôm nay 6/3 ghi nhận, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 7,44%, trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 cũng tăng 6,93% lên 118,4 USD/thùng.