Giá điện có thể tăng thêm 2.200 đồng/kWh

30/09/2022, 10:43
báo nói -

TCDN - Trong đề án quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương cho biết giá điện bình quân tăng 1.860-2.200 đồng/kWh.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc phê duyệt đề án quy hoạch điện phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8).

Theo Bộ Công Thương, giá điện bình quân (theo tỷ giá USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4-9,4 cent/kWh vào năm 2030. 

Hiện giá điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng là 1.864,44 đồng/kWh (7,9 cent/kWh). Nếu lên mức 8,4-9,4 cent/kWh, theo tỷ giá năm 2020, giá điện bình quân trong giai đoạn tới lên tương đương 1.982-2.218 đồng/kWh.

Giá điện bình quân có thể tăng thêm 2.200 đồng mỗi kWh. (Ảnh: EVN).

Giá điện bình quân có thể tăng thêm 2.200 đồng mỗi kWh. (Ảnh: EVN).

Bộ Công Thương ước tính giai đoạn 2031-2050, giá điện bình quân sẽ trong khoảng 10,8-11,4 cent/kWh.

Bộ cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam tương đối thấp. Năm 2030, mức giá điện dự kiến từ 8,4-9,4 cent/kWh vẫn thấp hơn giá điện hiện tại của Indonesia và Thái Lan.

Bộ Công Thương dẫn chứng giá điện bình quân của một số nước như sau: Malaysia (6,69 cent/kWh), Indonesia (10,07 cent/kWh), Thái Lan (10,74 cent/kWh), Trung Quốc (8,43 cent/kWh), Nhật Bản (21,08), Nga (5 cent/kWh), Đức (32,27 cent/kWh), Mỹ (10,91 cent/kWh), Canada (12,44 cent/kWh)…

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho biết đã tiếp tục rà soát các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư. Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện với tổng công suất 452,62MW. Cụ thể, đó là nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, dự án điện mặt trời Trung Nam 450MW, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, phần dự án Thiên Tân 1.3 và Thiên Tân 1.4.

Ngoài ra, có 11 dự án đã ký hợp đồng mua sắm thiết bị (tổng công suất 426,6MW), 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (tổng công suất 1.481MW) và 3 dự án hoặc phần dự án chủ đầu tư không thực hiện với công suất 60MW. Tổng chi phí đã thực hiện ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất loại bỏ các dự án điện mặt trời đã chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136MW ra khỏi Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030, xem xét chấp thuận trong giai đoạn 2031-2045.

Ngọc Diễm
Bạn đang đọc bài viết Giá điện có thể tăng thêm 2.200 đồng/kWh tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phó thủ tướng: Xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu với mặt hàng điện, trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.