Giấc mơ Trung Quốc của doanh nghiệp phương Tây đang lụi tàn
TCDN - Apple, Starbucks và nhiều doanh nghiệp phương Tây đang chứng kiến giấc mơ chinh phục thị trường Trung Quốc dần tan biến.
Mọi thứ có vẻ đang rất khả quan với các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, ít nhất là theo Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế. Tổ chức này, thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, tuyên bố 90% các công ty nước ngoài cảm thấy hài lòng về việc kinh doanh tại đây.
Một khảo sát gần đây của hội đồng cho thấy các doanh nghiệp phương Tây đánh giá kinh tế Trung Quốc ổn định, thị trường hấp dẫn và triển vọng tươi sáng.
Sự bi quan của giới doanh nghiệp phương Tây
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc khẳng định đất nước đã mở cửa trở lại. Họ cũng nhấn mạnh rằng các cải cách gần đây giúp các công ty nước ngoài hoạt động dễ dàng hơn.
Song nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây lại không đồng tình với nhận định này. Họ thừa nhận việc đầu tư vào Trung Quốc ngày càng khó khăn và đang cân nhắc cắt giảm nhân sự.
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, chưa đến một nửa số người tham gia cảm thấy lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Trung Quốc trong 5 năm tới. Đây là mức thấp kỷ lục.
Ngày 4/12/2024, General Motors (GM), một hãng sản xuất ô tô của Mỹ, thông báo kế hoạch thoái một phần vốn tại các liên doanh Trung Quốc và đóng cửa một số nhà máy. Đến ngày 9/12/2024, có thông tin rằng chính phủ Trung Quốc mở cuộc điều tra cạnh tranh đối với Nvidia, công ty dẫn đầu về chip AI của Mỹ.
Trong những thập kỷ gần đây, các doanh nghiệp phương Tây không chỉ coi Trung Quốc là nơi sản xuất giá rẻ mà còn là thị trường lớn và đầy tiềm năng cho sản phẩm của họ.
Theo phân tích, doanh thu của các công ty Mỹ và châu Âu tại Trung Quốc đạt đỉnh 670 tỷ USD vào năm 2021, chiếm 15% tổng doanh thu. Nhưng tình hình sau đó đã xấu đi.
Năm 2023, doanh thu những công ty này giảm xuống 650 tỷ USD và tỷ lệ đóng góp chỉ còn 14%. Năm 2024, mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong số các công ty báo cáo doanh thu hàng quý tại Trung Quốc, gần một nửa ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang đối mặt với tình trạng này, từ Apple - một tập đoàn công nghệ, Volkswagen - nhà sản xuất ô tô, đến Starbucks - chuỗi cà phê và LVMH - tập đoàn xa xỉ phẩm.
Một nhà lãnh đạo khu vực của một công ty toàn cầu chia sẻ rằng “đến giờ này, chúng tôi đáng lẽ phải thấy sự phục hồi”.
Một giám đốc khác thừa nhận thời kỳ tăng trưởng nóng tại Trung Quốc đã qua. Dù vẫn còn một số công ty như Eli Lilly - hãng dược phẩm, hay Walmart - nhà bán lẻ lớn, tiếp tục phát triển tại đây, số lượng này ngày càng giảm.
Nguyên nhân chính là sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Khủng hoảng bất động sản đã khiến giá nhà giảm mạnh và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Vào tháng 9/2024, chính phủ tuyên bố sẽ làm mọi cách để khôi phục nền kinh tế.
Tình hình vẫn chưa cải thiện
Ngày 9/12/2024, Bộ Chính trị Trung Quốc thông báo sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, kỳ vọng vẫn thấp. Doanh số bất động sản tiếp tục giảm so với năm 2023 và có thể kéo dài đến năm 2025. Dù chính phủ cam kết kích thích tiêu dùng, các chỉ số về nhu cầu vẫn đang giảm.
Áp lực giảm phát đang ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp ở Trung Quốc, không chỉ riêng các công ty nước ngoài. Theo ông Bo Zhengyuan từ Plenum, một công ty tư vấn tại Bắc Kinh, đến cuối tháng 10/2024, có tới 27% doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc báo lỗ.
Tình trạng dư cung trong nhiều ngành, từ xe điện đến vật liệu xây dựng, đã gây ra những cuộc chiến giá cả gay gắt. Bà Mary Barra, Giám đốc điều hành GM, cho rằng “cuộc đua xuống đáy” là nguyên nhân chính khiến công ty gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận tại thị trường này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phương Tây cũng đang thua kém các đối thủ Trung Quốc. Starbucks đã mất thị phần vào tay Luckin Coffee, một đối thủ nội địa có giá bán thấp hơn. Tính đến tháng 9/2024, Luckin Coffee có 21.000 cửa hàng tại Trung Quốc, gấp ba lần số cửa hàng của Starbucks, tăng mạnh từ con số 13.000 vào năm trước.
Ông Brian Niccol, lãnh đạo mới của Starbucks, đã thừa nhận với các nhà đầu tư vào tháng 10 năm ngoái rằng hãng đang đối mặt với sự cạnh tranh “cực kỳ khốc liệt” tại Trung Quốc. Starbucks cũng được cho là đang cân nhắc bán một phần cổ phần tại đây cho đối tác địa phương.
Ở nhiều ngành, các doanh nghiệp phương Tây không còn giữ được lợi thế công nghệ so với đối thủ Trung Quốc. Các nhà sản xuất robot công nghiệp Trung Quốc hiện chiếm gần một nửa thị trường nội địa, tăng mạnh từ gần một phần ba vào năm 2020.
Apple cũng gặp thêm khó khăn với sự ra mắt của các mẫu smartphone mới từ Huawei, bao gồm dòng Mate 70 giới thiệu vào ngày 26/11/2024. Các mẫu xe điện của BYD, NIO và nhiều hãng ô tô Trung Quốc không chỉ rẻ hơn xe phương Tây mà còn được tích hợp các công nghệ hiện đại, đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu dùng địa phương.
Khi thị trường Trung Quốc còn tăng trưởng nhanh, các công ty phương Tây vẫn có thể tăng doanh số dù bị mất thị phần. Nhưng giờ đây, họ không còn được hưởng lợi thế đó nữa.
Mọi chuyện dường như chưa dừng lại ở đó khi các công ty phương Tây đang trở thành “nạn nhân gián tiếp” trong cuộc cạnh tranh giữa chính phủ của họ và Trung Quốc. Ngày 2/12/2024, Mỹ áp đặt các hạn chế mới với việc bán thiết bị sản xuất chip cho một số công ty Trung Quốc, cũng như các chip bộ nhớ băng thông cao.
Thực tế ấy gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ như Applied Materials, Lam Research và KLA, cùng với ASML, một nhà sản xuất công cụ quang khắc tiên tiến của Hà Lan.
Nhiều công ty chip phương Tây khác cũng có thể chịu thiệt hại. Sau thông báo này, 4 hiệp hội ngành công nghiệp Trung Quốc đã kêu gọi giảm mua chip của Mỹ. Việc Trung Quốc điều tra Nvidia có vẻ cũng nhằm trả đũa các lệnh hạn chế từ Mỹ.
Các công ty trong những lĩnh vực nhạy cảm như sản xuất chip đã quen với rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị ngày càng dài thêm.
Tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu của các hãng rượu mạnh châu Âu như Rémy Cointreau và Pernod Ricard giảm mạnh khi Trung Quốc thông báo áp thuế chống bán phá giá với rượu brandy, dường như để đáp trả thuế của EU lên xe điện Trung Quốc.
Gần đây, nhà sáng lập Uniqlo, một hãng thời trang Nhật Bản, bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc khi tuyên bố công ty không sử dụng bông từ Tân Cương. Bộ Thương mại Trung Quốc có thể sắp áp dụng các hạn chế lên PVH, công ty sở hữu thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein, vì tuân thủ luật pháp Mỹ cấm sử dụng bông từ khu vực này.
Nếu ông Donald Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có thể đáp trả bằng cách làm tăng khó khăn của giới doanh nghiệp Mỹ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899