Đòn cuối của Tổng thống Joe Biden với ngành chip Trung Quốc
TCDN - Cuộc điều tra mới của Mỹ có thể dẫn đến việc áp thêm thuế nhập khẩu với các loại chip từ Trung Quốc, vốn được sử dụng trong các sản phẩm hàng ngày.
Hôm 23/12, The New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khởi xướng một cuộc điều tra thương mại về hoạt động sản xuất các loại chip máy tính cũ của Trung Quốc, vốn là linh kiện không thể thiếu trong ôtô, máy rửa chén, mạng viễn thông và vũ khí quân sự.
Nguồn tin cũng tiết lộ cuộc điều tra mới có thể dẫn đến việc áp thuế quan hoặc các biện pháp khác để ngăn chặn chip Trung Quốc xâm nhập thị trường Mỹ, mặc dù quyết định có áp dụng biện pháp nào hay không sẽ tùy thuộc vào chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Nỗi lo của giới chức Mỹ
Từ thép và tàu đến tấm pin mặt trời hay xe điện, Trung Quốc đã bơm tiền vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất đẳng cấp thế giới, tạo ra làn sóng sản phẩm đầu cuối giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu.
Nhận thấy không thể cạnh tranh về giá, các công ty Mỹ cùng với nhiều quốc gia khác đã quyết định đóng cửa, để lại cơ hội cho các công ty của Trung Quốc kiểm soát phần lớn thị trường toàn cầu.
Thực tế ấy đã khiến các quan chức Mỹ đã lo ngại rằng ngành bán dẫn có thể là lĩnh vực tiếp theo mà Trung Quốc thống trị.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng các chính sách của Trung Quốc đang cho phép các công ty của nước này mở rộng nhanh chóng và "cung cấp các loại chip có giá thấp một cách giả tạo, đe dọa, gây tổn hại đáng kể và có khả năng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh theo định hướng thị trường của họ".
Bà Tai cũng cho biết thêm điều này sẽ dẫn đến chuỗi cung ứng “dễ bị tổn thương hơn và chịu nhiều điểm nghẽn vốn có thể được sử dụng để ép buộc các quốc gia khác về mặt kinh tế”.
Sự hỗ trợ hàng trăm tỷ USD đầu tư của chính phủ đã giúp các nhà máy sản xuất chip lớn nhanh chóng mọc lên khắp Trung Quốc trong vài năm qua.
Theo chính phủ Mỹ, gần một nửa công suất các nhà máy mới trên thế giới để sản xuất các loại chip cũ hơn sẽ được xây dựng trong 3-5 năm tới tại Trung Quốc.
Dù vẫn chưa thật sự thống trị sản xuất chip toàn cầu, thị phần của đất nước tỷ dân đang tăng nhanh.
Mỹ ước tính rằng Bắc Kinh có thể chịu trách nhiệm cho hơn 40% công suất toàn cầu về chip nền tảng vào năm 2032, với hơn một nửa công suất của thế giới ở một số phân khúc.
New York Times nhận định cuộc điều tra này cho phép chính phủ Mỹ thực hiện một loạt các hành động để ứng phó với các hành vi phân biệt đối xử của chính phủ nước ngoài gây gánh nặng cho thương mại Mỹ.
Mặc dù vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng thông thường phải mất từ 6 tháng đến một năm để kết thúc một cuộc điều tra tương tự.
Đây là một trong những động thái lớn nhất và rất có thể là cuối cùng của ông Biden trong cuộc chạy đua kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ban hành một loạt lệnh kiểm soát xuất khẩu nhằm cố gắng ngăn chặn khả năng sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất của Trung Quốc, với lý do công nghệ này có thể giúp Bắc Kinh phát triển vũ khí mới và trí tuệ nhân tạo để tăng cường năng lực quân sự của họ.
Mặc dù vậy, ông Biden lại chưa thực hiện biện pháp mạnh đối với hoạt động sản xuất các loại chip thế hệ cũ của Trung Quốc.
Sự cố rò rỉ công nghệ
Dù chip công nghệ cũ đã lỗi thời, chính phủ Trung Quốc và các công ty có trụ sở tại Trung Quốc vẫn đổ tiền vào việc sản xuất những loại chip này, vốn vẫn rất cần thiết cho nền kinh tế và quân đội hiện đại.
Việc Trung Quốc tập trung vào chip cũ cũng có thể mang lại những lợi ích khác cho đất nước. Nó có thể giúp các nhà sản xuất chip của đất nước này tiến bộ về mặt công nghệ.
Sau đó, khi thu hút được khách hàng mới, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể sẽ tiếp thu được kiến thức mới về sản xuất.
Ngoài ra, sản lượng lớn các loại chip như vậy cũng làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất chip nước ngoài đối thủ, những công ty vốn dựa vào chip cũ để tăng lợi nhuận khi họ nghiên cứu các chất bán dẫn tiên tiến.
Việc Trung Quốc sản xuất chip thành công cũng sẽ khiến Mỹ khó kiểm soát hơn đối với hoạt động thương mại bán dẫn toàn cầu.
Trong những năm gần đây, chính quyền Biden đã phải vật lộn để cắt đứt dòng chảy của các loại chip Mỹ kém tinh vi bị tuồn sang Nga, nơi chúng được cáo buộc sử dụng trong tên lửa và máy bay không người lái.
Nếu Trung Quốc có thể xoay xở để trở thành tâm điểm của hoạt động sản xuất chip cũ, dòng chảy đó có khả năng sẽ tăng lên.
Thêm vào đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng lập luận rằng việc mở rộng sản xuất chip của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe dọa đối với các cơ sở sản xuất chip mới mà chính phủ nước này đang đầu tư.
Sử dụng nguồn tài trợ từ đạo luật CHIPS năm 2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ký các hợp đồng đầu tư hàng chục tỷ USD vào các cơ sở sản xuất chip tại Mỹ, trong đó bao gồm hơn 4 tỷ USD cho sản xuất chip cũ.
Tuy nhiên, năng lực mới nổi của Trung Quốc có thể khiến các nhà máy ở Mỹ và các nước đồng minh phải sản xuất ít chip hơn mức cần thiết để duy trì khả năng kinh tế.
“Trước những xu hướng này, chúng tôi thấy các công ty sản xuất chip ngần ngại đầu tư vào Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899