Giải bài toán nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

13/07/2024, 11:05

TCDN - Hiện số doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ chiếm 0,001% tổng doanh nghiệp trên cả nước. Điều này cho thấy, yêu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp là thực sự cấp thiết, đòi hỏi phải có sự đổi mới trong tư duy hỗ trợ, xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

9-1

Khó khăn vẫn còn hiện hữu

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy 6 tháng đầu năm 2024 có 119.612 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (110.316 doanh nghiệp), dù cao hơn không đáng kể nhưng cũng cho thấy tín hiệu khả quan hơn về tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng như sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp dần cải thiện.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm áp đảo, trên 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước và đóng góp đáng kể cho GDP, tạo công ăn việc làm, huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội. Những tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ nhất, về chuyển đổi số và áp dụng công nghệ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu chú trọng hơn vào chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý và sản xuất, giúp cải thiện hiệu quả và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Thứ hai, về mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp thành công trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong khu vực và thế giới nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thứ ba, hiệu ứng tích cực từ những hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức. Các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các nguồn vốn, đào tạo kỹ năng quản lý và tư vấn phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, khó khăn vẫn còn hiện hữu, thể hiện ở số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh (17,3%) cũng như số “làn sóng” doanh nghiệp rút lui vẫn gia tăng (10,3%) so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là những con số đáng suy ngẫm. Để giải quyết các khó khăn này, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước và các tổ chức nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho hay trong gần 1 triệu doanh nghiệp chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001%.

"Và theo số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1. Sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp”, TS. Bình nhận định.

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương thuộc Bộ Công Thương, cho hay một trong những thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp là quá trình thực thi chính sách hỗ trợ còn khó khăn do chính sách ban hành chưa thực sự minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi chưa hiệu quả, chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Mặt khác, chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Đổi mới tư duy hỗ trợ doanh nghiệp

ong-hoang-quang-phong
Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng.

Để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông Bình, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cần phải được cải cách, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi hoá thương mại hơn, từ đó việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu mới dễ dàng hơn trước đây.

Bên cạnh đó, cần có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Họ cần trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm khảo thí… để đáp ứng yêu cầu về ISO, tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay những hệ sinh thái vẫn chưa có sự hỗ trợ đầy đủ cho các doanh nghiệp, đặc biệt những ngành có nhu cầu về vốn lớn như năng lượng tái tạo, giao thông xanh…

5-1

Ngoài ra, cần phải đổi mới cách thức tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Bình cho rằng, trong số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, rất ít trong số này đã phát huy hiệu quả. Đổi mới thể chế, quy định pháp luật giúp cho con đường gia nhập chuỗi cung ứng thuận lợi hơn, rộng mở hơn. Do đó, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần đổi mới, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Hiện nay, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại và đặc biệt là cơ hội mới bắt đầu xuất hiện, có sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực nội tại, phải vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường.

Đại diện Economica Vietnam cho rằng việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều nếu các điều kiện về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho quá trình nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, tương lai của thế giới và cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ sắp tới, như công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng xanh, y tế, chăm sóc sức khoẻ….

Trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ phải theo hướng: trả lại không gian cho thị trường thông qua các biện pháp hỗ trợ. Nhiều biện pháp hỗ trợ hiện nay theo hơi hướng cho không, bao cấp, điều đó rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tuy nhiên, trong thời điểm này cần điều chỉnh lại cách thức này.

Những chính sách mang tính bao cấp, hỗ trợ miễn giảm trong thời gian quá dài cũng nên thu hẹp dần quy mô hay về cường độ, để nền kinh tế vận hành theo đúng cơ chế thị trường, theo đúng quy luật vốn có của nó. Từ đó doanh nghiệp cũng phải tuân theo quy luật thị trường, giúp cho thị trường phân bổ được nguồn lực trên nền kinh tế một cách tối ưu hơn, hiệu quả hơn. Cũng chính điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian tới cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs. Xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước….

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tăng trưởng tín dụng: Kích cung, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng liên tục suy giảm trong các tháng đầu năm 2024, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là kích cung hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh được trên chính thị trường trong nước, giảm giá thành sản phẩm, xuất khẩu nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trong ngắn hạn có thể giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong ngắn hạn chúng ta có thể giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng trong dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công để đảm bảo bội chi ngân sách nhà nước thấp thì phải có giải pháp để tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về suất thuế ổn định.