Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trong ngắn hạn có thể giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

11/02/2024, 08:24
báo nói -

TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong ngắn hạn chúng ta có thể giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng trong dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công để đảm bảo bội chi ngân sách nhà nước thấp thì phải có giải pháp để tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về suất thuế ổn định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Mof)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Mof)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có những chia sẻ với báo chí về vấn đề ngân sách tài chính trong thời gian qua và định hướng thời gian tới.

Thực hiện các giải pháp thuế suất ổn định

Thưa Bộ trưởng, có thể thấy năm 2023 là năm khó khăn với kinh tế toàn cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngân sách sau khi đã có khoản hỗ trợ miễn, giảm thuế khoảng 200 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn thu vượt khoảng 8,1% dự toán. Liệu có bình thường không khi doanh nghiệp khó khăn mà thu ngân sách năm qua vẫn đạt cao thưa Bộ trưởng?

Năm 2023, kết quả xuất nhập khẩu giảm khoảng 6,6% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, tuy nhiên xuất siêu vẫn đạt 25,5 tỷ USD. Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 5,05% nhưng thu ngân sách nhà nước vẫn tăng cao trong khi Chính phủ vẫn thực hiện miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Có được kết quả trên là do chúng tôi đã hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhưng sáng tạo và đổi mới trong cách thu.

Ví dụ chúng tôi tập trung vào khai thác những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, chẳng hạn như sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, năm 2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài (Youtube, Google, Facebook,…) đã kê khai, nộp thuế cho nhà nước.

Thứ hai là phát hành và quản lý chặt chẽ hóa đơn điện tử, từ đó, doanh thu được phản ánh chính xác, mặc dù giảm thuế nhưng doanh thu vẫn tăng cao nên thuế VAT tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng.

Thứ ba là quản lý chặt chẽ hoàn thuế và chống chuyển giá cũng như kết nối dữ liệu liên thông với máy tính khởi tạo từ máy tính tiền và phát hành hóa đơn may mắn,… Tất cả những giải pháp đó đã góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thưa Bộ trưởng, việc gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí trong những năm gần đây được các doanh nghiệp, người dân, chuyên gia kinh tế đánh giá cao, coi đây là sự trợ giúp hiệu quả và thực chất nhất. Xin Bộ trưởng cho biết năm 2024, ngoài việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến giữa năm thì Bộ Tài chính có tiếp tục tham mưu, đề xuất thêm các giải pháp gì để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hay không?

Năm 2024 vẫn là một năm khó khăn và thách thức. Ngoài việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giảm thuế VAT 6 tháng, từ 10% xuống 8%, chúng tôi tiếp tục đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm các loại phí, lệ phí, giảm 30% tiền thuê đất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp thì không chỉ có biện pháp giảm thuế mà còn nhiều giải pháp khác như tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý như mở thị trường tiêu thụ, tín dụng ngân hàng, các thủ tục hành chính,… cùng với các giải pháp tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó khăn. Về mặt lý thuyết, trong ngắn hạn chúng ta có thể giảm thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng trong dài hạn, để nâng cao sức mạnh của tài chính công để đảm bảo bội chi ngân sách nhà nước thấp thì chúng ta phải có giải pháp để tài chính công tăng lên bằng các giải pháp về suất thuế ổn định.

Còn dư địa lớn huy động nợ công

Nợ công của Việt Nam thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, bền vững, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng. Nói cách khác là chúng ta thời gian tới có thể tăng vay nợ công để làm nguồn đầu tư cho những dự án lớn, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Bộ trưởng nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi đồng tình với quan điểm đó. Nếu như năm 2021 nợ công ở mức 43,1%GDP thì đến đầu 2024 nợ công giảm xuống chỉ còn 37%GDP, đặc biệt là nợ nước ngoài còn 34%GDP, trong khi dư địa Quốc hội giao Chính phủ điều hành là 60%GDP. Nghĩa là chúng ta còn khoảng dư địa lớn để huy động nợ công phục vụ các công trình hạ tầng thiết yếu và các công trình hạ tầng kiến tạo cho sự phát triển trong tương lai. Nhưng những công trình đó phải phát huy hiệu quả cao nhất và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế ở mức tối đa. Quan điểm của chúng tôi là chỉ vay khi trả được nợ và chỉ vay khi chúng ta thực hiện các công trình, dự án hiệu quả nhất để mang lại sự đột phá cho sự phát triển kinh tế đất nước.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu là rất lớn. Nhưng các doanh nghiệp hiện tại đang phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng, trong khi kênh huy động vốn hiệu quả là trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua lại có nhiều bất cập, gây mất lòng tin của người dân. Sau một năm chấn chỉnh, liệu 2024 chúng ta có thể kỳ vọng gì vào kênh dẫn vốn này, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn tốt. Thời gian qua, việc quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được thực hiện bài bản, chính xác, đúng đắn. Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn nhưng lại vừa thiết lập trật tự, kỷ cương để minh bạch hóa thị trường tài chính.

Đối với kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo chiến lược chúng ta huy động khoảng 25%GDP. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 1 triệu tỷ đồng, tức là chưa đầy 10%GDP. Như vậy chúng ta còn dư địa khoảng 15-16%GDP để huy động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giải quyết khó khăn và sự phát triển của của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc thực hiện phải theo đúng quy định của pháp luật trên tinh thần các doanh nghiệp vay được của người dân thì phải trả được cho người dân đúng hạn và thực hiện đúng mục tiêu của khoản vay, không dùng khoản vay này để chi cho các khoản vay khác và không trả được nợ, gây mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư dẫn đến ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí

Khó khăn sau Covid-19, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu,… đã khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí bị giảm sút. Cơ quan báo chí là cơ quan tuyên truyền của Đảng, nhà nước, có vai trò quan trọng, liệu chúng ta nên có chính sách hỗ trợ gì về thuế cho cơ quan báo chí không thưa Bộ trưởng?

Hoạt động của cơ quan báo chí sự thực phụ thuộc lớn sự tăng trưởng và sức khỏe của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh có hiệu quả thì hoạt động của các cơ quan báo chí sẽ thuận lợi hơn thông qua các nguồn thu quảng cáo,… Cho nên nhiệm vụ đặt ra là phải phát triển nền kinh tế lâu dài, bền vững.

Về chính sách thuế liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi hơn so với các ngành khác. Vừa qua, chúng tôi cũng đã đề xuất sửa Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sư nghiệp công lập, đặc biệt là các cơ quan báo chí. Những kiến nghị do các cơ quan báo chí chuyển đến chúng tôi đã có hướng dẫn kịp thời, cụ thể, rõ ràng để các cơ quan báo chí thực hiện.

Bên cạnh đó, nhà nước tăng cường đặt hàng cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo chủ đề, phổ biến chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp, người dân để chúng ta thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật một cách tốt nhất, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước ngày một hùng cường và vững mạnh.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PV
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trong ngắn hạn có thể giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi Thư chúc mừng năm mới 2024
Trong Thư chúc mừng năm mới 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính tin tưởng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đạt mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán 3%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn ngành cần tập trung hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023, cố gắng phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán khoảng 3%. Trong đó cần quản lý tốt hoá đơn điện tử thì sẽ quản lý tốt được việc hoàn thuế GTGT.