Giải pháp gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Quảng Ninh

23/05/2024, 10:50
báo nói -

TCDN - Bài viết tập trung phản ánh thực trạng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Quảng Ninh, các mục tiêu cần thực hiện đến năm 2023; Tầm nhìn phát triển đến năm 2045 và các giải pháp triển khai để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại địa phương này.

1-1

TÓM TẮT:

Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Điều này góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh với GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016 - 2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước...

Xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Bài viết tập trung phản ánh thực trạng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Quảng Ninh, các mục tiêu cần thực hiện đến năm 2023; Tầm nhìn phát triển đến năm 2045 và các giải pháp triển khai để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại địa phương này.

1. Thực trạng

5 năm trở lại đây, Quảng Ninh được biết đến như một hiện tượng về phát triển ở phía Bắc. Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước...

Để có kết quả này, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước kết hợp với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Hiện toàn tỉnh có 8 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 5.643,6MW; hằng năm phát lên hệ thống lưới điện quốc gia từ 35 -38 tỷ kWh điện, đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển đất nước. Tỉnh đang triển khai 1 dự án điện khí LNG công suất 1.500MW (giai đoạn 1) tại thành phố Cẩm Phả (khởi động ngày 24/10/2021); dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2026-2027; dự kiến khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh điện/năm và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG (giai đoạn 2) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự án có quy mô công suất 1.500MW được đầu tư xây dựng nằm cạnh vị trí Nhà máy giai đoạn 1.

Cùng với hạ tầng điện, Quảng Ninh cũng là địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ cho các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Hiện tỉnh có 5 KKT với tổng diện tích: 375.171 ha; 16 dự án KCN với tổng diện tích là 12.886,8 ha (có 10.387,3 ha nằm trong các KKT). Tổng diện tích KCN, KKT là: 377.090 ha, là tỉnh có số lượng và quy mô KCN, KKT lớn nhất cả nước. 16 KCN của tỉnh đều nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Cùng với đó, Quảng Ninh có 3 KKT cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.735 ha. Bao gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái có diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha; KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn có diện tích 14.236 ha; KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh có diện tích tự nhiên khoảng 9.302 ha. Đồng thời, tỉnh có 2 KKT ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 230.436 ha, gồm: KKT ven biển Vân Đồn có tổng diện tích là 217.133 ha và KKT ven biển Quảng Yên có tổng diện tích 13.303 ha.

Trong lĩnh vực xây dựng phát triển đường giao thông, Quảng Ninh xác định rất rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông luôn phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Hiện tại, với tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn khoảng 6.361,93km, tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, trong đó tập trung vào đầu tư các dự án động lực, mang tính đột phá chiến lược.

Về hạ tầng ngành nông nghiệp, tỉnh đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hơn 3.000 km đường và 32 cầu các loại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, giúp người dân thuận lợi trong việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản. Đến nay, có 100% xã có đường nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa đến xã, thôn.

Đặc biệt, để tạo động lực tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu”, sang “xanh”, Quảng Ninh chú trọng đầu tư hạ tầng ngành thương mại và du lịch. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ, gắn với khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển. Đồng thời, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, đặc sắc, hiện đại, cao cấp như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, sân golf Đông Triều; Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long....

Về hạ tầng thương mại, tỉnh Quảng Ninh huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh, góp phần thay đổi diện mạo, văn minh đô thị và văn hoá tiêu dùng của nhân dân. Việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ truyền thống được quan tâm; mô hình trung tâm thương mại, siêu thị đang ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô theo hướng hiện đại. Cho đến nay, nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Quảng Ninh: Big C Hạ Long, Lotte, KFC, Điện máy HC, Media mart, Vincom Center Hạ Long, Vincom Móng Cái…. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã có 133 chợ, 34 siêu thị và trung tâm thương mại, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 88 cửa hàng tiện ích và hàng ngàn cửa hàng, điểm bán các mặt hàng thiết yếu trên toàn tỉnh.

2. Mục tiêu 2030

Trên cơ sở tuân thủ và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia và quy hoạch cấp vùng, tỉnh Quảng Ninh xây dựng và thực hiện các mục tiêu, định hướng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó mục tiêu đến năm 2030 như sau:

- Huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về phát triển KCHT kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là các công trình thực hiện các Chương trình đột phá của tỉnh nhằm giải quyết cơ bản về giao thông, hạ tầng đô thị; tập trung nguồn lực đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm (hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng KCN, KKT; hạ tầng thương mại; hạ tầng thông tin; hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa thể thao, du lịch); phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh và bền vững.

- Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Trong đó tập trung nguồn lực cho một số lĩnh vực trọng tâm, cụ thể như sau:

- Về hạ tầng giao thông: bảo đảm kết nối các thành phố, các đầu mối vận tải (cảng biển, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế…) với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia bằng mạng lưới đường cao tốc, năng lực vận tải được nâng cao, thời gian di chuyển được rút ngắn, giao thông được thông suốt, an toàn. Từng bước phát triển hạ tầng giao thông hiện đại (đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ (monorail), hầm vượt sông, bến cảng tàu ngầm du lịch, cảng trung chuyển phục vụ khách du lịch trên biển…). Tập trung nguồn lực hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái, cầu Cửa Lục 3, đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả vào năm 2022; Năm 2023 hoàn thành đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh, cầu Bền Rừng và đường dẫn, cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà xã Đồng Lâm, các dự án hạ tầng động lực kết nối vùng thấp với vùng cao của thành phố Hạ Long sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Thành phố. Phối hợp với thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án cầu Rừng, cầu Lại Xuân. Tiếp tục đề xuất Trung ương đầu tư cao tốc Nội Bài - Hạ Long (nghiên cứu kết nối với tuyến đường 10 làn xe), nâng cấp Quốc lộ 4B, 279 và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân. Xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 lên Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) đến Quốc lộ 4B (Đường tỉnh 342) tăng cường liên kết vùng Lạng Sơn - Quảng Ninh.

- Hoàn thành các cảng khách du lịch tại Vân Đồn, cảng trung chuyển khách du lịch trên biển; quy hoạch xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục. Phát triển cảng biển, cảng thủy nội địa, khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics chất lượng cao; phát triển các dịch vụ giá trị tăng cao tại khu vực Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Tuần Châu.

- Về hạ tầng đô thị: từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững, là tiền đề quan trọng cho phát triển đô thị thông minh. Cơ bản đáp ứng các tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan. Giai đoạn 2021-2025: Toàn tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt trên 75%; Giai đoạn 2026-2030: Toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện với hạt nhân là 13 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa tỉnh đạt 75-80%.

- Về hạ tầng KKT, KCN: đảm bảo quỹ đất đủ lớn, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội để thu hút các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh.

- Về hạ tầng số: xây dựng, phát triển hạ tầng số phục vụ Chính phủ số, đảm bảo kết nối liên thông, đồng bộ với hạ tầng số quốc gia, trong đó: Kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP toàn tỉnh; trong đó công nghiệp ICT chiếm ít là 15% GRDP toàn tỉnh; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD.

- Tầm nhìn phát triển đến năm 2045: Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.

3. Giải pháp

Để thực hiện được các mục tiêu trên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào 06 giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch: Tập trung tổ chức triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập, điều quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phù hợp với Quy hoạch tỉnh, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm...; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy hoạch; dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác quy hoạch và huy động các nguồn lực triển khai hiện thực hóa các quy hoạch; Đổi mới phương pháp quy hoạch, đảm bảo ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cần mang tính linh hoạt hơn, định hướng cao hơn cho thu hút đầu tư và công tác quản lý; Kiên quyết hoàn thành đồng bộ các quy hoạch phân khu phù hợp với các quy hoạch chung xây dựng, đồng bộ với các quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hai là, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển hạ tầng: Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước chỉ như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh việc không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư, cần tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng không phân biệt nguồn vốn đầu tư, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư; Công bố công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Ba là, xây dựng các khu công nghiệp, các khu kinh tế có vị trí phù hợp, có quy mô đủ lớn, đầy đủ điều kiện về hạ tầng, kết nối thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ có sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư mở rộng, đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh hơn như LNG, năng lượng tái tạo, trong đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Bốn là, chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; Phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành, đa lĩnh vực, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.

Năm là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đa dụng, gồm cả hạ tầng số, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng gắn với các hành lang, vành đai phát triển kinh tế, kết nối quốc tế thuận lợi để Quảng ninh trở thành một trung tâm logistics của Vùng và cả nước.

Sáu là, phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn để nâng cấp chất lượng sống của người dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh, thu hút dân cư từ nơi khác đến; phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, nhất là đô thị du lịch chất lượng cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người và thiên nhiên đậm bản sắc Quảng Ninh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh);

2. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định 1279/QĐ-TTg ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

3.https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-dia-phuong/muc-tieu-dinh-huong-cua-tinh-quang-ninh-ve-xay-dung-ke-cau-ha-tang-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-do-thi-den-nam-2030-tam-nhi2.html

4.https://diendandoanhnghiep.vn/diem-sang-trong-dau-tu-ha-tang-do-thi-quang-ninh-247682.html

5.https://kinhtetrunguong.vn/web/guest/thong-tin-dia-phuong/muc-tieu-dinh-huong-cua-tinh-quang-ninh-ve-xay-dung-ke-cau-ha-tang-kinh-te-xa-hoi-phat-trien-do-thi-den-nam-2030-tam-nhi2.html6.https://baoquangninh.vn/tinh-co-co-so-ha-tang-tot-nhat-3245104.html

NCS. Phạm Thành Hưng

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 5/2024
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Quảng Ninh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận