Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân

23/07/2020, 15:22

TCDN - Ở nước ta hiện nay các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, có đóng góp quan trọng vào tộc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, theo Sách trắng Việt Nam năm 2019, doanh nghiệp tư nhân trong nước tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước.

4-1

Tóm tắt

Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự ra đời, hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ khác nhau, có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước. Bài viết làm rõ thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân, từ đó đề xuất một số nội dung, biện pháp để phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

1. Mở đầu

Ở nước ta hiện nay các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, có đóng góp quan trọng vào tộc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, theo Sách trắng Việt Nam năm 2019, doanh nghiệp tư nhân trong nước tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước. Đây là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp tư nhân trong việc tìm kiếm thị trường, tạo thời cơ, vận hội mới không chỉ cho doanh nghiệp phát triển, mà còn tạo ra diện mạo mới cho toàn bộ nền kinh tế đất nước. 

Tuy nhiên, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid - 19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… việc phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính cụ thể trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019, Việt Nam có khoảng 17.000 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và 21.000 doanh nghiệp quy mô vừa. Các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam chỉ có quy mô vốn hóa trung bình 186 triệu USD năm 2018, trong khi mức trung bình của các doanh nghiệp tại Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore 1,07 tỷ USD, Thái Lan 835 triệu USD, Indonesia 809 triệu USD và Malaysia là 553 triệu USD.

Trên thực tế, nhờ có sự phát triển của kinh tế tư nhân đã xuất hiện nhiều doanh nhân, họ có đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định: Các doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng vươn cao, bay xa thể hiện được khát vọng hùng cường của dân tộc. Thông điệp của thủ tướng đã truyền cảm hứng, thúc bách các doanh nghiệp tư nhân phải nỗ lực hết mình, chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội đưa doanh nghiệp của mình vào quỹ đạo chung của đất nước và của thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu như: doanh nghiệp SunGroup, FLC, Viettel, Habeco, VinGroup, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Hapro,… thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững của khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương 10 khoá XII của Đảng chỉ rõ: Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trước khó khăn, thách thức sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân cũng gặp không ít vướng mắc, trở ngại. Đó là: nguồn vốn bảo đảm cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn ít so với thực tiễn đặt ra, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm; thị trường đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới; một số doanh nghiệp tư nhân không chú trọng vấn đề chất lượng chạy theo số lượng, không bảo đảm về uy tín, mẫu mã khó được thị trường chấp nhận trong thời gian, chỉ mang tính thời vụ trước mắt; đó là nguồn nhân lực lao động ở các doanh nghiệp tư nhân phần lớn không có trình độ, chuyên môn, làm việc theo kinh nghiệm, sự hiểu biết, hướng dẫn của mọi người trong cùng đơn vị; khả năng thích ứng của doanh nghiệp tư nhân với sự vận động, biến đổi của thời cuộc còn chậm, đại dịch Covid - 19 vừa qua là một thực tế đã chứng minh cho điều đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phải đóng cửa, cho công nhân nghỉ việc; sự liên thông, liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau, giữa doanh nghiệp tư nhân doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục để tạo ra chu trình hỗ trợ liên thông, liền mạch từ đầu vào cho đến đầu ra.

2.2. Một số nội dung, biện pháp để phát triển doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay 

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân. 

Nghị quyết Trung ương 10 khoá XII đã thổi luồng gió mới, mở ra tương lai, triển vọng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nghị quyết khẳng định: phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Do đó, trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tư nhân phải bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, điều hành của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành có liên quan; sản xuất, kinh doanh, phát triển phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước, làm giàu chính đáng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mở cửa, hội nhập quốc tế nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành địa phương vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển.

Đây là vấn đề thiết thực, cụ thể đặt ra cấp bách cho các doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phát triển. Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành có liên quan phải đồng hành cùng với doanh nghiệp tư nhân. Thời gian gần đây, việc làm trên được thực hiện tốt thông qua việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ, tìm biện pháp hữu hiệu nhất để tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển. Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan hành chính không gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát triển đã thường xuyên ban hành văn bản, hướng dẫn về việc thực hiện chính sách một cửa, xây dựng thái độ thân thiện, cởi mở trong làm việc với doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt là tìm kiếm đầu ra, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường ngoại địa; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương tìm ra tiếng nói chung, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, vòi vĩnh doanh nghiệp tư nhân; định kỳ hàng năm tổ chức Hội nghị tôn vinh những doanh nhân giỏi, tài năng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến… Vấn đề đặt ra là các bộ, cơ quan và địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động yếu thế; nâng cao đạo đức công vụ, quan tâm xử lý nhanh những kiến nghị của doanh nghiệp; tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan, ban, ngành có liên quan đối với quá trình hoạt động, phát triển của doanh nghiệp tư nhân để phát hiện ra những sai phạm, thiếu xót, đồng thời biểu dương, khen thưởng với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật, luật doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đa phần hoạt động hiệu quả đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, chấp hành nghiêm các quy định, yêu cầu của của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chấp hành không nghiêm, hoạt động trá hình, chậm thích ứng với tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, chèn ép doanh nghiệp khác, cạnh tranh không lành mạnh, thuê phần tử xã hội đen đến doanh nghiệp làm ăn phát triển để đập phá, quấy rối, đe doạ… Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần đi vào những hiện tượng trên để xử lý nghiêm minh hành vi đó, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp nào có biểu hiện bảo kê, đập phá, gây rối doanh nghiệp khác thì đình chỉ hoạt động, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể đưa ra xét xử hình sự để cảnh tỉnh, răn đe với các doanh nghiệp tư nhân khác. Việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp tư nhân cũng là để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh dân chủ, bình đẳng ổn định, an bình cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ đi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tư nhân phải thật sự trong sáng về đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực am hiểu về lĩnh vực, mặt hàng đó; tuyệt đối không được vòi vĩnh, dọa nạt doanh nghiệp để tham ô, tham nhũng; thanh tra, kiểm tra khách quan, dân chủ, công bằng, đúng người, đúng việc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sau khi thanh tra, kiểm tra; có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới trong thời gian thanh tra, kiểm tra.

3. Kết luận

Sau gần 35 đổi mới đất nước, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam đã có nhiểu khởi sắc tươi đẹp đem đến sắc thái mới cho tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, thành công đó có được là có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp tư nhân. Mỗi bước đi của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay đã, đang và sẽ còn lớn đối với con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn lại mình, biết tận dụng thời cơ, vận hội để biến nguy thành cơ, đặt lợi ích của dân tộc, của tập thể lên trên hết, tất cả phải vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết Trung ương 10NQ/ TW khoá XII, ngày 3 tháng 6 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Vũ Tuấn Anh (2016), Phát triển doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông, luận văn thạc sĩ chuyên ngành kinh tế chính trị, Đại học Đà Nẵng.

3. Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025.

Thiếu tá Nguyễn Hải Biên

Trường Sĩ quan Lục quân 1

Tạp chí in số tháng 7/2020
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận