Giải pháp phát triển không gian văn hóa công cộng tại Tp. Hồ Chí Minh

24/09/2024, 15:31

TCDN - Yếu tố khiến du lịch ở Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng trở nên thu hút khách đó chính là không gian văn hóa công cộng - địa điểm dành cho khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí.

2-1

TÓM TẮT:

Thành phố Hồ Chí Minh - nơi hội tụ mạch máu kinh tế của cả nước, là cửa ngõ quốc tế của khu vực. Yếu tố khiến du lịch ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trở nên thu hút khách đó chính là không gian văn hóa công cộng - địa điểm dành cho khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí. Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn đã có sự đầu tư, xây dựng và phát triển không gian văn hóa công cộng từ rất sớm và luôn gắn với quá trình phát triển đô thị. Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều điểm nhấn đáng kể trong bản đồ du lịch của mình, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế và vấn đề bất cập như không gian văn hóa công cộng ít sự đa dạng, công tác quy hoạch chưa hợp lý… Những điều trên đặt ra yêu cầu cấp bách cho các cấp chính quyền cần khắc phục, giải quyết để phát triển hơn nữa về không gian văn hóa công cộng, thúc đẩy sự phát triển du lịch thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Không gian văn hóa thường chỉ những khu vực gắn với văn hoá hoặc các hoạt động văn hóa. Không gian văn hóa công cộng đóng vai trò quan trọng trong đô thị, là không gian chung gồm nhiều chức năng với bản sắc đa dạng để phục vụ đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Đây là địa điểm giao lưu, kết nối mọi người với nhau thông qua các khu chợ truyền thống, công viên, bưu điện cùng những bảo tàng gắn với văn hóa lịch sử… Không gian văn hóa cộng đồng không chỉ là nơi để mọi người giao lưu kết nối mà còn góp phần tạo nên bộ mặt, điểm nhấn đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh mà bất kỳ ai khi đặt chân đến Thành phố mang tên Bác này không thể quên được. Hơn nữa, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng không gian văn hóa công cộng như các công trình đã xây dựng, với không gian cảnh quan, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã có sẵn.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 quảng trường (đặc biệt là Quảng trường Công xã Paris), 22 công viên (Công viên Tao Đàn, Công viên Bạch Đằng, Công viên Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên, Khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc ở Quận 9…), bưu điện trung tâm mang sự kết hợp giữa phương Đông với phương Tây. Ngoài ra còn có các địa điểm tham quan lâu đời, nổi tiếng của Thành phố như Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà. Không gian đi bộ gồm có phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện hay còn được gọi là “phố Tây”, Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1). Những không gian văn hóa đặc sắc như trên góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, đồng thời tạo ra nét đặc trưng của Thành phố đối với du khách.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: “Liệu rằng các không gian văn hóa công cộng được nêu trên đã thực sự đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người dân hay chưa và làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?” làm rõ vấn đề này, tác giả chọn chủ đề bài viết Tiềm năng phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh từ việc xây dựng không gian văn hóa công cộng.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối với chủ đề bài viết, nhóm tác giả đã dựa trên phương pháp quan sát thực tế, thống kê và các nguồn dữ liệu thứ cấp để mô tả tổng quan một cách cụ thể nhằm phản ánh thực trạng về không gian văn hoá công cộng của Thành phố.

3. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ VIỆC ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA CÔNG CỘNG

Không gian văn hóa công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhưng còn nhiều hạn chế, cần giải pháp quy hoạch, chiến lược quảng bá nghệ thuật cụ thể nhằm tạo sự phong phú, điểm nổi bật trong phát triển diện mạo Thành phố.

So với các thành phố lớn trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sớm có sự thúc đẩy phát triển không gian văn hóa công cộng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.

Chưa đáp ứng nhu cầu của người dân

Với dân số hơn 10 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã quan tâm đến hệ thống không gian văn hóa công cộng, hình thành những điểm nhấn nhất định trong bức tranh đô thị của Thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều loại hình không gian văn hóa công cộng, bao gồm: các quảng trường, công viên, phố đi bộ, khu du lịch... Bên cạnh những điểm sáng, còn nhiều không gian văn hóa công cộng chưa phát huy hết vai trò trong việc nâng cao đời sống tinh thần người dân lẫn đóng góp thiết thực vào sự phát triển nhiều mặt của Thành phố.

Không ít không gian văn hóa công cộng bị bỏ quên, lãng phí, chưa được đầu tư khai thác. Có nơi chỉ mới hoạt động sôi nổi vào ban đêm hoặc các dịp lễ, Tết. Chưa kể, những không gian hiện hữu và không gian tiềm năng, nhất là diện tích mặt nước, ven bờ, kênh, rạch…, đang bị lãng phí bởi sự quản lý chưa hiệu quả và áp lực cao từ việc lấn chiếm, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều không gian văn hóa công cộng bị chia cắt bởi các tuyến giao thông huyết mạch khiến nó trở thành ốc đảo lạc lõng; nhiều không gian bị lấn chiếm bởi các loại hình kinh doanh khác làm giảm sự kết nối với cư dân; nhiều nơi do quy hoạch chưa hợp lý nên không mang lại sức sống cần thiết...

Trong quá trình đô thị hóa, nâng cấp chỉnh trang đô thị, dù Thành phố Hồ Chí Minh đã có những công trình mới tiêu biểu như phố đi bộ Nguyễn Huệ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bạch Đằng... nhưng ít nhiều vẫn có một số di sản mang hồn cốt văn hóa bị mất đi như các di sản "trên bến dưới thuyền" khu vực quận 5, di sản công nghiệp hàng hải ở khu Ba Son...

Nói cách khác, không gian văn hóa công cộng ở Thành phố vẫn chưa được quy hoạch, quản lý, phát triển đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa và tầm nhìn chiến lược của Thành phố và phát triển không gian văn hóa công cộng đang là thách thức lớn đối với Thành phố Hồ Chí Minh khi không gian văn hóa công cộng tại các đô thị bị thu hẹp và biến dạng.

Phát triển không gian văn hóa công cộng hiện đại, giàu bản sắc

Giữ gìn và phát triển không gian văn hóa công cộng là một trong những vấn đề rất quan trọng vì việc này có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người dân. Hơn nữa, không gian văn hóa công cộng còn là một yếu tố quan trọng tạo nên nét độc đáo và bản sắc riêng của một thành phố, là yếu tố kết nối cộng đồng, làm cho người dân gắn bó nhiều hơn với thành phố nơi mình đang sống, học tập và làm việc.

Chính vì lẽ đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển thêm nhiều không gian văn hóa công cộng nhằm góp phần nâng cao đời sống xã hội, cải thiện chất lượng và môi trường sống cho người dân. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, Thành phố cần chú ý đến tính liên kết chặt chẽ, hợp lý, bền vững, tạo động lực tăng trưởng và là biểu tượng cho sự phát triển trong giai đoạn mới của Thành phố đối với việc rà soát tổng thể các quy hoạch của hệ thống không gian.

Trong đó, công tác xây dựng các không gian văn hóa công cộng mới của Thành phố phải xác định được tính chất trên nền tảng là yếu tố ven sông gắn với các lớp văn hóa bản địa, đặc trưng của vùng Nam Bộ thân thiện, gần gũi, hiện đại, giàu bản sắc và sức sống nhân văn. Ngoài ra, cần có chiến lược xây dựng các quảng trường, phố đi bộ gắn với các trung tâm du lịch, dịch vụ, phù hợp định hướng quy hoạch chung của Thành phố. Cần chú trọng định hướng mô hình đa trung tâm, đa chức năng để giảm số lượng người dân cùng lúc đổ dồn vào trung tâm Thành phố mỗi khi có dịp lễ hội.

Đặc biệt, việc hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn phải xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc gắn với cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không nên giới hạn ở những nơi mà Người đã đi qua hay dừng chân ở Thành phố mà cần được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cảm nhận đây là Thành phố mang tên Bác.

Thành phố cần mở rộng không gian đi bộ, bởi điều này sẽ "kích hoạt" được nhiều mô hình kinh tế, phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như bảo tồn tốt hơn những di sản, kiến trúc đặc trưng từng khu vực. Trên cơ sở đó, việc sử dụng các công trình cũ cho một công năng mới, nhiệm vụ mới sẽ bảo tồn được các công trình có giá trị di sản để lưu giữ những ký ức đô thị; truyền tải những thông điệp mang tính lịch sử, phục vụ công tác giáo dục thông qua việc bảo tồn và chuyển đổi chức năng của một số công trình kiến trúc cũ mang dấu ấn lịch sử lâu đời. Đối với hệ thống công viên, cần ưu tiên xây dựng thêm các công viên đô thị lớn với nhiều chức năng tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, gắn với các khu đô thị lớn; công viên nhỏ trong các khu dân cư đô thị.

Nhằm hướng đến một không gian văn hóa công cộng và phát triển bền vững, cần sự chung tay của các doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc đầu tư, xây dựng, giữ gìn, chỉnh trang, nâng cấp chất lượng các không gian văn hóa công cộng; tăng cường giáo dục về mặt ý thức và ý thức hệ xã hội, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, văn hóa đô thị cho người dân; khuyến khích xã hội hóa và kêu gọi các tổ chức phi lợi nhuận tham gia quản lý, đầu tư xây dựng các không gian văn hóa công cộng.

Cần nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh các chính sách thu hút đầu tư một cách hợp lý để phát triển không gian văn hóa công cộng. Ứng dụng các thiết bị kỹ thuật số vào không gian văn hóa công cộng cũng là một điểm nên lưu ý. Không gian văn hóa công cộng phải giữ được bản sắc văn hóa, đặc điểm lịch sử, phù hợp với điều kiện địa lý, giao thông của địa phương. Việc thiết kế không gian văn hóa công cộng phải thân thiện, hiện đại và giàu bản sắc. Phải cân nhắc trong xây dựng, thiết kế nhằm tạo không gian gần gũi với người dân.

4. GIẢI PHÁP PHÁT TRIÊN KHÔNG GIAN VĂN HÓA CÔNG CỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Không gian văn hóa công cộng hiện nay đang là một lĩnh vực rất được quan tâm và có nhiều vấn đề cần trao đổi để nhận diện thực trạng, nhu cầu và đề xuất giải pháp, hướng đến mục đích nâng cao đời sống tinh thần, góp phần xây dựng hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại và người dân cũng như du khách được hưởng thụ các giá trị phi vật thể một cách tương xứng.

Hiện nay, các không gian văn hóa công cộng tồn tại rất nhiều bất cập, cần tất cả chúng ta, người dân cũng như chính quyền cần có những hành động thiết thực, phù hợp nhất để bảo tồn và phát triển không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Và dưới đây là một số kiến nghị, giải pháp đối với vấn đề cấp bách này.

Thứ nhất, đối với công tác quy hoạch, xây dựng không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chính quyền thành phố cần phải tạo thêm nhiều điều kiện để người dân được thụ hưởng những giá trị văn hóa bằng cách đa dạng về loại hình không gian văn hóa công cộng để đáp ứng nhiều nhu cầu của người dân, góp phần kích cầu du lịch, tạo điểm đến cho du khách trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh quy hoạch chuẩn cho thành phố mới, phải biết tận dụng những nguồn tài nguyên sẵn có, cải tạo cái cũ, nghiên cứu và lựa chọn những tiềm năng mà không gian văn hóa mới có thể kế thừa;

Chính quyền nên cân bằng sự phát triển giữa không gian hiện đại và các di sản mang đậm bản sắc dân tộc một cách hài hòa, nhằm mục đích vừa xây dựng được không gian văn hóa công cộng mới - hiện đại - phát triển, vừa giữ vững bản sắc dân tộc. Điều này được thực hiện bằng cách xây dựng nhiều không gian thân thiện với người đi bộ hơn, tổ chức lại các hoạt động ở vỉa hè, lề đường, không lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, bên cạnh đó còn trồng thêm cây xanh, giữ được những công viên, công trình tiêu biểu…

Đối với những chủ trương quy hoạch đang bị “bỏ ngõ” giữa chừng hoặc dừng ở một giai đoạn nhất định, chính quyền địa phương cần nhanh chóng phát triển thành một bản quy hoạch hoàn chỉnh, cùng với đó là kế hoạch thực hiện chi tiết, bài bản để sớm đưa vào giai đoạn triển khai, thực hiện, hình thành không gian văn hóa công cộng mới, đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Việc mở rộng các khu phố đi bộ cho Thành phố trong bối cảnh Thành phố định hướng phát triển kinh tế đêm sẽ góp phần mở rộng cơ hội phát triển thương mại và du lịch. Đối với hệ thống công viên, Thành phố cần tăng số lượng các công viên lớn tại các quận huyện vùng ven, vùng ngoại thành, gắn với các khu đô thị lớn hay các công viên nhỏ trong lòng các khu dân cư đô thị.

Thứ hai, về công tác bảo vệ không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chính quyền địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường không gian văn hóa công cộng cho người dân cũng như tổ chức kiểm tra chặt chẽ bằng tuần tra thường xuyên, lắp đặt các thiết bị camera giám sát để có biện pháp xử lý phù hợp đối với những đối tượng thiếu ý thức, phá hoại cảnh quan. Từ đó, hướng đến việc xây dựng và phát triển không gian công cộng bền vững, điều này cần sự chung tay của cả cộng đồng, các doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc đầu tư, xây dựng, giữ gìn, chỉnh trang, nâng cấp chất lượng các không gian văn hóa công cộng.

Để giảm thiểu tình trạng cướp giật, trộm cắp tại các không gian văn hóa công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền cần thắt chặt an toàn, an ninh, củng cố lại và tăng cường hơn nữa lực lượng công an để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt gia tăng số lượng công an vào các dịp cuối tuần, lễ Tết bởi đây là những thời điểm đông đúc, trộm cướp lợi dụng để len lỏi vào đám đông thực hiện những hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó Thành phố cần tăng cường công tác an ninh công cộng, mạnh tay hơn nữa và xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi cướp giật, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Tuyên truyền cho khách du lịch về tình trạng trộm cắp, cướp giật trên địa bàn Thành phố để họ có ý thức phòng ngừa, cảnh giác trước những tình huống phát sinh.

Thứ ba, về công tác khuyến khích phát triển không gian văn hóa công cộng Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà nước cần khuyến khích, kêu gọi các tổ chức phi lợi nhuận, những nhà đầu tư như doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng không gian văn hóa công cộng bằng những chính sách thu hút hấp dẫn.

Ngoài ra, cần khuyến khích người dân tham gia vào việc đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng, cải tạo, phát triển không gian văn hóa công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh, điều này góp phần tạo ra một không gian sinh sống lành mạnh, văn minh, công bằng, sáng tạo cho cư dân thành phố.

Thứ tư, về việc áp dụng khoa học công nghệ

Chính quyền cần áp dụng các thiết bị kỹ thuật số vào không gian văn hóa công cộng. Bởi hiện nay là thời đại của sự phát triển khoa học công nghệ, nếu biết áp dụng các thiết bị công nghệ một cách hợp lý, chúng ta sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí mà vẫn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi, mua sắm, giải trí, góp phần kích cầu du lịch.

Từ thực tiễn thành công thu hút được nhiều khách du lịch đến với không gian văn hoá công cộng như Quảng trường Hùng Vương, Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu; Bức Phù điêu Theo dòng lịch sử và văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc, Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc tỉnh Bắc Ninh… Thành phố Hồ Chí Minh cần quy hoạch và xây dựng những quảng trường đủ rộng để có thể là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ Đờn ca tài tử, biểu diễn Nghệ thuật múa rối nước, biểu diễn Lân sư rồng và nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật khác phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Sắp xếp lại các hoạt động vui chơi, mua bán tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ để trở thành không gian sinh hoạt chung cho mọi người dân và du khách chứ không phải chỉ phù hợp riêng cho giới trẻ như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. QĐ 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê (2019), Bản tin Cập nhật thị trường lao động, số 21, Quý I/2019.

3. Trần Thị Vân Hoa (2017),Cách mạng công nghiệp4.0 vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

4. Nguyễn Thắng (2019), Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đến Việt Nam, http://hdll.vn/vi/thong-tin-ly-luan truy cập ngày 8/6/2022.

Cao Văn Tùng

Benthanhtourist

Tạp chí in số tháng 9/2024
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển không gian văn hóa công cộng tại Tp. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899