Giải pháp phát triển ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh

02/05/2021, 20:10

TCDN - TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, lại là một trung tâm văn hóa, giáo dục, thương mại, giao thông của cả nước nên đã trở thành một trong những thành phố đi đầu trong du lịch Việt Nam.

Tóm tắt

TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, lại là một trung tâm văn hóa, giáo dục, thương mại, giao thông của cả nước nên đã trở thành một trong những thành phố đi đầu trong du lịch Việt Nam. Trong năm 2017, thành phố đã đón gần 6,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 24,9 triệu lượt khách nội địa tăng tương ứng 22,8% và 14,6% so với năm 2016; Tổng thu du lịch cũng có mức tăng ấn tượng trong giai đoạn từ năm 1997-2017. Nếu năm 1997 là 2.887 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã đạt hơn 115.000 tỷ đồng.

Song, trước thực tế yêu cầu của du khách ngày càng cao, công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, làm thế nào để du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng là điều các cơ quan quản lý, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch trăn trở tìm giải pháp thực hiện hiệu quả.

4-1

Thực trạng phát triển

TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu một nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm: 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, đa dạng; hệ thống đường sông trong lòng đô thị; nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị; văn hóa nghệ thuật, công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển mạnh… với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Làng Du lịch Bình Quới, Khu du lịch Vàm Sát, Bảo tàng thành phố, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…

Không chỉ là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế và nội địa quan trọng của cả nước, TP. Hồ Chí Minh còn là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm, tổ chức hội nghị du lịch hàng đầu của Việt Nam, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động thành phố và các tỉnh, thành lân cận. Đây cũng là địa phương có lực lượng lao động trực tiếp, có trình độ đào tạo và kinh nghiệm trong ngành du lịch lớn nhất nước.

Với những điều kiện trên, thời gian qua, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Trong năm 2017, thành phố đã đón gần 6,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 24,9 triệu lượt khách nội địa tăng tương ứng 22,8% và 14,6% so với năm 2016; Tổng thu du lịch cũng có mức tăng ấn tượng giai đoạn từ năm 1997-2017. Nếu năm 1997 là 2.887 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã đạt hơn 115.000 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP của thành phố hiện chiếm khoảng 11%.

Năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh đạt 8,619 triệu lượt khách, tăng 13,48% so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 7,595 triệu lượt khách). Khách du lịch nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 29 triệu lượt khách). Tổng thu ngành Du lịch đạt 140.017 tỷ đồng, tăng 10,15% so với năm 2018 (cùng kỳ đạt 127.111 tỷ đồng).

Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trong năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt 10 triệu lượt, tăng khoảng 15 % so với năm 2019; lượng khách du lịch nội địa đến thành phố đạt 35 triệu lượt, tăng khoảng 6,4%. Tổng thu du lịch dự kiến phấn đấu đạt 165.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với năm 2019. Để đạt mục tiêu này, cùng với những lợi thế có sẵn, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong ngắn và dài hạn, đặc biệt là phát triển du lịch thông minh.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid - 19, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố trong năm 2020 ước đạt 1,3 triệu lượt, giảm 84,8%. Du lịch nội địa ước đạt 15 triệu lượt, giảm 54,2%. Tổng doanh thu của ngành ước đạt 84 nghìn tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ, tương đương mức giảm 56.000 tỉ đồng.

Thông tin về tình hình du lịch TP. Hồ Chí Minh những tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Việt Anh - Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo ghi nhận từ các công ty lữ hành, du khách đã hủy hàng loạt các chương trình du lịch đến các địa phương có dịch bệnh, thậm chí các chương trình du lịch đến các địa phương khác cũng bị hủy do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hầu hết khách hàng yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào một thời điểm thích hợp khác khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Thông tin từ một đại lý du lịch trực tuyến lớn có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, ngay sau khi có thông tin về dịch, có tới 30% lượng khách đã lo lắng yêu cầu huỷ tour và dời ngày đi.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông & Maketing Công ty TSTtourist, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, TSTtourist có 45 đoàn khởi hành. Trong đó, có 12 đoàn đến các tỉnh phía Bắc với tổng số trên 420 khách, bao gồm 7 đoàn khách lẻ và 5 đoàn khách doanh nghiệp. Dịch bùng phát vào thời điểm trước Tết Nguyên đán là điều vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp.

Một số khách hàng đã yêu cầu huỷ tour. Phần lớn khách hàng đồng ý thay đổi lộ trình vì vẫn muốn có chuyến xuất hành đầu năm nhưng phải đảm bảo tiêu chí an toàn tránh vùng dịch. Các tour được ưu tiên chọn để thay thế bao gồm các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ và Phú Quốc.

Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh về Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo Quyết định này, những nội dung quan trọng của Chiến lược cần phải được xác định rõ ràng và cụ thể, bao gồm:

(1) Chiến lược định hướng và phát triển thị trường;

(2) Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch then chốt và quản trị chất lượng điểm đến;

(3) Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các yếu tố nguồn lực khác;

(4) Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch;

(5) Chiến lược tiếp thị, truyền thông và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch;

(6) Chiến lược đầu tư và chính sách phát triển du lịch;

(7) Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào phát triển du lịch gắn với Đề án Phát triển Đô thị thông minh của thành phố Hồ Chí Minh.

Giải pháp

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh dự báo, sau đại dịch Covid- 19, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Với những thách thức như trên, việc tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh là xu thế tất yếu để khẳng định vị trí, vai trò của du lịch thành phố.

Bai4_bang

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhắc đến tầm nhìn đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á cùng 4 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 gồm: tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2021-2025 từ 8% đến 9%; tổng doanh thu của ngành đạt từ 12 đến 14 tỷ USD; đóng góp vào GRDP Thành phố từ 12% đến 14%; đóng góp vào ngành dịch vụ của Thành phố từ 19% đến 21%.

Để đạt 04 chỉ tiêu trên bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đưa ra 09 giải pháp cụ thể. Thứ nhất, tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua giải pháp kích cầu, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng chuyển đổi số.

Cùng với đó là thường xuyên lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri thành phố để tiếp tục tham mưu, kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.

Thứ hai, phối hợp các sở ngành, quận - huyện triển khai Chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030, chú trọng thu hút, kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển du lịch; chủ động tham gia tích hợp các yêu cầu phát triển du lịch trong quy hoạch chung và trong quá trình đầu tư,…

Thứ ba, triển khai hiệu quả 02 chương trình, đề án thuộc Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Hai chương trình này gồm Đề án phát triển du lịch thông minh và chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, đề án du lịch thông minh sẽ triển khai xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp của Thành phố; phát triển hệ sinh thái kinh doanh thông minh; tăng tiện ích và trải nghiệm cho du khách,..

Thứ tư, tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng vừa đặc trưng vừa đa dạng để khai thác tiềm năng, lợi thế của Thành phố và thỏa mãn thị hiếu, nhu cầu của nhiều phân khúc khách du lịch.

Trong đó, chú trọng phân khúc khách có chi tiêu cao. Cụ thể, tập trung phát triển 03 nhóm sản phẩm chủ lực gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực và du lịch mua sắm cùng 04 nhóm sản phẩm tiềm năng tạo sự khác biệt gồm du lịch đường thủy, du lịch MICE, du lịch y tế, du lịch giải trí và hoạt động về đêm.

Thứ năm, đổi mới, sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch như định vị thương hiệu du lịch thành phố gắn với khẩu hiệu “Vibrant Ho Chi Minh City"- Sức sống TP. Hồ Chí Minh, thông qua các chiến dịch truyền thông ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tăng cường ứng dụng công nghệ,…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành thông qua hoàn thành việc xây dựng và triển khai đề án “Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực”; đề xuất cơ chế khuyến khích mô hình “Doanh nghiệp trong Trường” và “Trường trong Doanh nghiệp”;…

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch,…

Thứ tám, triển khai các nội dung Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành, vùng miền trong cả nước đảm bảo thực chất và hiệu quả; phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch trong quá trình triển khai các liên kết,…

Cuối cùng, triển khai các hoạt động phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm như chú trọng các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người dân; nâng cao ý thức của doanh nghiệp và du khách trong tôn tạo và bảo vệ môi trường…

Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 là hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực nhằm thu hút du khách; tập trung nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá và thu hút khách đến thành phố; tăng độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch; nâng cao công tác nghiên cứu thị trường, tăng cường công tác truyền thông quảng bá hình ảnh điểm đến thành phố “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn”.

“Để thu hút du khách đến thành phố, sắp tới TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm văn hoá lịch sử, y tế, mua sắm, ẩm thực, đường thủy và du lịch sinh thái - nông nghiệp; xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào thành phố; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; đột phá thủ tục hành chính về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cấp xây dựng mới trạm thông tin du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ khách du lịch của TP Hồ Chí Minh…”, bà Thúy nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu gợi ý, trong năm 2021, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ, phát huy liên kết vùng, chuẩn bị chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép; Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành du lịch từ thị trường tới sản phẩm, tận dụng xu hướng đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, công nghệ 4.0…; Tăng cường hoạt động quảng bá trực tuyến đối với thị trường quốc tế để duy trì hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, sống động, tươi trẻ và đẳng cấp; Tiếp tục năng động, sáng tạo thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Đồng thời tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm duy trì môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, mến khách, lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của mỗi địa phương, tránh tình trạng du khách “đi một tỉnh, biết cả vùng”, không để các nơi “dẫm chân nhau”.

Các tỉnh, thành phố cũng cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới, các sản phẩm du lịch độc đáo kết nối giữa các địa phương trong liên kết để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành du lịch của các địa phương.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2011-2018). Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010-2017, TP. Hồ Chí Minh.

2. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2017a). Báo cáo Tình hình hoạt động và dự báo tiềm năng, định hướng phát triển của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh.

3. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2017b). Báo cáo Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

4. Tổng Cục Thống kê (2011-2018). Niên giám thống kê Việt Nam năm 2010-2017, Hà Nội.

5. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2018 về Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh.

NCS. Nguyễn Tấn Trung

Đại học Văn Hiến

Tạp chí in số tháng 4/2021
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan