Giải pháp phát triển ngành du lịch y tế tại TP. Hồ Chí Minh
TCDN - Du lịch y tế là một hiện tượng tiêu tốn nhiều tỉ đô-la trên toàn thế giới, theo dự báo trong những thập niên tới, loại hình này còn tiếp tục phát triển mạnh. Những ai quan tâm đến việc đi nước ngoài để tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế, thì chi phí vẫn là yếu tố mang tính quyết định.
Tóm tắt
Được xem là một trong 6 xu hướng du lịch phát triển trong tương lai, du lịch y tế đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Những năm gần đây, làn sóng người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí là người nước ngoài đến Việt Nam điều trị bệnh theo hình thức du lịch y tế ngày càng tăng. Thống kê của Sở Du lịch TPHCM, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch đang tăng dần hàng năm với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng trong năm 2018 đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam, trong đó lượng khách đến TPHCM chiếm khoảng 40%.
Tuy nhiên, phát triển du lịch y tế tại TP. Hồ Chí Minh không hề dễ dàng mà đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp phối hợp giữa các đơn vị liên quan một cách đồng bộ, tin cậy.
Khái quát về du lịch y tế
Hiệp hội Du lịch Y tế (2017) định nghĩa du lịch y tế là một quá trình đi du lịch ra ngoài quốc gia cư trú với mục đích được điều trị và chăm sóc sức khoẻ. Điều này phù hợp với định nghĩa được cung cấp bởi Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), trong đó một trong những phương thức cung cấp dịch vụ theo quy định của GATS là tiêu dùng ở nước ngoài, theo đó người tiêu dùng dịch vụ (cụ thể là khách du lịch hoặc bệnh nhân) di chuyển đến lãnh thổ hoặc quốc gia khác để có được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ theo mong đợi.
Khởi đầu, thuật ngữ “du lịch y tế” chỉ đề cập đến những cư dân ở các nước kém phát triển du lịch sang các nước đã phát triển để theo đuổi các phương pháp điều trị mà ở nước họ không có. Nhưng ngày nay, đã có sự thay đổi ngược lại, cư dân ở những nước “giàu” hơn di chuyển sang các nước đang phát triển để tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế. Sự thay đổi này là do các lý do chính sau đây: (1) Chi phí cho các dịch vụ kỹ thuật ở các nước đang phát triển thấp hơn nhiều, (2) Sự sẵn có của các chuyến bay giá rẻ, (3) Tác động của truyền thông và tiếp thị trực tuyến đến người tiêu dùng về tính sẵn có của các loại hình dịch vụ y tế tại các quốc gia này.
Du lịch y tế là một hiện tượng tiêu tốn nhiều tỉ đô-la trên toàn thế giới, theo dự báo trong những thập niên tới, loại hình này còn tiếp tục phát triển mạnh. Những ai quan tâm đến việc đi nước ngoài để tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế, thì chi phí vẫn là yếu tố mang tính quyết định. Trong khi giá dịch vụ y tế tại Mỹ và các nước có ngành y tế phát triển khác tiếp tục tăng cao, các nước đang phát triển bắt đầu quan tâm về lợi ích tài chánh đối với thị trường mới nổi này, nhiều nước đã đầu tư nhiều loại hình dịch vụ y tế kỹ thuật cao với giá thành thấp, giá các loại phẫu thuật chỉ bằng 30% đến 70% so với tại Mỹ.
Ngoài giá, mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch y tế là chất lượng dịch vụ kỹ thuật và chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế tại các nước mà họ dự định đến, đây là yếu tố mang tính quyết định trong cạnh tranh khách hàng. Chất lượng dịch vụ y tế sẽ là rào cản chính trong hoạt động du lịch y tế của các nước đang phát triển, chính vì lý do này, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế phải chứng minh chất lượng dịch vụ y tế của mình bằng những chứng nhận chất lượng của các tổ chức có uy tín trên thế giới khi giới thiệu và tiếp thị đến khách hàng quốc tế, như được công nhận chuẩn chất lượng JCI.
Các loại hình dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán và điều trị và tính sẵn có của các loại dịch vụ kỹ thuật này cũng là yếu tố mang tính quyết định trong du lịch y tế. Theo thống kê tại nhiều nước trên thế giới, các loại hình dịch vụ kỹ thuật được nhiều người chọn lựa trong du lịch y tế đó là: phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, ghép tạng, phẫu thuật tim và phẫu thuật chỉnh hình. Ngoài ra, thụ tinh trong ống nghiệm và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản khác cũng là loại hình thu hút khách du lịch y tế.
Biết được xu thế phát triển của loại hình du lịch y tế trên thế giới, biết được các yếu tố mang tính quyết định và tính cạnh tranh cao trong loại hình này, các cơ sở y tế trong nước, nhất là các bệnh viện và các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố bên cạnh việc tiếp tục phát huy thế mạnh về các loại hình dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa và chất lượng chuyên môn sẵn có, đồng thời cải tiến và củng cố những điểm yếu về chất lượng phục vụ thì loại hình “du lịch y tế” của thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian không xa sẽ cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Phát triển du lịch y tế tại TP. Hồ Chí Minh
Theo trang The Asean Post, đã có 80.000 người nước ngoài đến Việt Nam năm 2018 để tìm kiếm dịch vụ và điều trị về y tế mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đô la. Còn theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2018, Việt Nam thu về hơn 1 tỷ đô la từ du lịch y tế tính riêng với bệnh nhân nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm thị phần lớn nhất về du lịch y tế tại Việt Nam với sản phẩm chính được du khách lựa chọn là y học cổ truyền, nha khoa và thẩm mỹ. Vài năm gần đây, để phát triển thị trường khách du lịch này, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng cẩm nang du lịch y tế, tạo app riêng cho dịch vụ khám chữa bệnh, tăng cường truyền thông, quảng bá, phát triển những gói dịch vụ chuyên sâu. Hà Nội được du khách quốc tế chấm điểm cao trong việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hàng loạt bệnh viện tuyến đầu và hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại. Các chuyên gia IVF ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 ca IVF và Việt Nam hiện là quốc gia thực hiện IVF nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.
Tạp chí International Living của Úc đã bình chọn Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được khách Úc ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao với chi phí thấp. Cụ thể, dịch vụ làm cầu cho răng tại Úc có giá khoảng 4.500 đô la Úc, trong khi đó ở Việt Nam chỉ giao động từ 500-800 đô la Úc. Mức chi phí cho dịch vụ làm răng sứ tại Việt Nam rẻ hơn 1/3 nếu so sánh với Mỹ và Úc. Tạp chí Fosbes cho biết chi phí thực hiên một ca IVF tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các quốc gia khác tại Đông Nam Á, còn nếu so với chi phí trung bình 20.000 đô la thực hiện IFV tại Mỹ thì mức giá ở Việt Nam chỉ bằng ¼.
Không chỉ cạnh tranh về giá cả, thời gian cũng là một yếu tố khiến cho du lịch y tế tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chiếm ưu thế. Trong khi tại Mỹ, Úc hay các quốc gia Châu Âu, để thực hiện việc làm răng sứ phải mất từ 2-3 tháng thì tại Thái Lan hay Việt Nam, dịch vụ này sẽ được hoàn thiện chỉ trong 2 tuần.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch Thành phố đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả khả quan. Năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến TP.Hồ Chi Minh ước đạt 7,5 triệu lượt khách, tăng 17% so với năm 2017. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế ước đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 12,1% so với năm 2018, doanh thu đạt 96.115 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Theo bà Hoa, bên cạnh một số sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như du lịch đường thủy nội đô, du lịch sinh thái, nông nghiệp... thì sản phẩm du lịch y tế là một trong những điển hình của sản phẩm du lịch mới đầy tiềm năng của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng.
Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh kết hợp du lịch tăng dần qua các năm, với doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng năm 2018, đã có khoảng 300.000 người nước ngoài đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú tại Việt Nam. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40%. Những con số trên thấy tiềm năng rất lớn cho việc phát triển loại hình du lịch y tế trong tương lai.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, trong 6 xu hướng du lịch trên thế giới phát triển trong tương lai có du lịch y tế bên cạnh du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thông minh và du lịch sáng tạo. Vì vậy, phát triển loại hình du lịch nói trên vừa phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu của nhiều phân khúc khách, qua đó góp phần tăng trưởng lượng khách đến Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Mặc dù đã được du khách quốc tế nhìn nhận và lựa chọn nhưng với danh sách dài các bệnh viện lớn cùng đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao ngang tầm thế giới như: Bạch Mai, Viện E, Răng hàm mặt Trung Ương, Y học cổ truyển Trung ương, Hữu Nghị, Bưu điện, Xanh-pôn tại Hà Nội. Bệnh viện Chợ Rẫy, viện 115, Đại học Y dược, Từ Dũ tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể đến nhiều bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại và dịch vụ cao cấp như Hồng Ngọc, Thu Cúc, An Sinh, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh, Việt Pháp…thì thực tế phải nhìn nhận rằng thị trường du lịch y tế tại Việt Nam còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.
Có rất nhiều rào cản khiến du lịch y tế tại Việt Nam chưa thể phát triển, trong đó phải kể đến như: chưa có chính sách khuyến khích phát triển, chưa có sự phối kết hợp giữa ngành y tế và ngành du lịch. Các bệnh viện cũng chưa có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực phục vụ thị trường khách này, bởi không như khách nội địa, để phục vụ khách quốc tế thì bác sĩ, y tá cũng cần thông thạo ngoại ngữ. Khó khăn lớn nhất chính là việc để thu hút khách các bệnh viện cần phải có chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tất cả các bệnh viện uy tín được khách quốc tế lựa chọn tại khu vực Đông Nam Á đều có chứng nhận của Ủy ban Quốc tế (Joint Commission International - JCI). Được JCI công nhận đồng nghĩa với việc có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ vụ du lịch y tế đạt tiêu chuẩn cả về chuyên môn và trang thiết bị. Thái Lan là quốc gia có số bệnh viện được JCI công nhận nhiều nhất tại Đông Nam Á với 67 bệnh viện, Indonesia 31 bệnh viện, ít nhất là Myanmar chỉ có duy nhất 01 bệnh viện được công nhận. Việt Nam có 4 bệnh viện được JCI công nhận, một con số còn quá khiêm tốn so với số lượng các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay.
Theo cáo của Bộ Y tế, năm 2018 mặc dù thu về hơn 1 tỷ đô từ bệnh nhân nước ngoài, song Việt Nam lại “chảy máu” hơn 2 tỷ đô với 60.000 lượt người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, một thị trường khách tiềm năng không thể không nhắc đến chính là hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Số liệu này đủ để ngành y tế và ngành du lịch cần sớm có sự phối hợp, xây dựng các chương trình hợp tác không chỉ thu hút khách quốc tế mà còn khai thác thị trường lớn khách nội địa và bà con kiều bào.
Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với vô vàn khó khăn bởi đại dịch Covid 19, Việt Nam trở thành đã trở thành điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh và chữa bệnh. Có được thành công đó là nhờ sự dẫn dắt đúng hướng của Chính phủ và năng lực của ngành y tế Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 khiến Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để phục hồi kinh tế và các hoạt động sản xuất sau dịch, song nếu nhìn vào mặt tích cực thì đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của ngành y tế đối với thế giới, cũng có nghĩa là cơ hội cho du lịch y tế Việt Nam cất cánh có thể thực hiện từ hôm nay nếu có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.
Một số giải pháp
Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình phối hợp cùng thực hiện như: xây dựng cẩm nang du lịch y tế, tạo app để tra cứu các dịch vụ khám chữa bệnh giúp du khách dễ dàng truy cập tìm hiểu thông tin, đăng ký các dịch vụ qua internet.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng website giới thiệu về loại hình du lịch y tế để đẩy mạnh việc quảng bá ra thế giới. Bên cạnh việc cải thiện phát triển app tra cứu thông tin với nhiều ngôn ngữ khác nhau, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp xây dựng lực lượng điều phối viên vừa có kiến thức về du lịch và vừa nắm được kiến thức y tế để có thể tư vấn, giới thiệu cho du khách các dịch vụ du lịch y tế mà TP. Hồ Chí Minh đang triển khai.
Để phát triển du lịch y tế theo hướng chất lượng cao, thời gian tới các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao tay nghề khám chữa bệnh, hình thành các phòng khám đa khoa, chuyên sâu theo tiêu chuẩn quốc tế… Các nhà quản lý nên tiếp tục liên kết bệnh viện với các công ty lữ hành để hình thành giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh như du lịch nha khoa, du lịch y học cổ truyền, du lịch chữa bệnh hiếm muộn…; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến giới thiệu du lịch y tế đến các tỉnh và các nước.
Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở y tế rộng khắp, nhiều bệnh viện tuyến cuối có tay nghề cao, ngang tầm thế giới và khu vực; các kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật bằng robot cũng đang phát triển mạnh mẽ. Do đó, TP. Hồ Chí Minh hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch y tế như các nước và trong khu vực.
Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe được biết đến như là sự kết hợp du lịch và các hoạt động thư giãn, tiến trình trị liệu, nhằm nâng cao và hồi phục sức khoẻ thể chất, tinh thần và cả tâm hồn cho du khách. Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tái tạo năng lượng tích cực là nhu cầu thực tế, và có xu hướng phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Đa dạng hình thức, loại hình du lịch y tế phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng như: chương trình tour hướng giải tỏa áp lực công việc, giảm gánh nặng tâm lý, điều trị bệnh mãn tính... Cao hơn, du lịch y tế (medical tourism) là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám bệnh, chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật.
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đối với thị trường Việt Nam, du lịch nghỉ dưỡng chăm sức khỏe và du lịch y tế vẫn còn hạn chế về cả lựa chọn và chất lượng so với tiềm năng sẵn có. Do đó, đây là thời điểm rất phù hợp phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe - trị liệu. Tuy nhiên, xây dựng được sản phẩm du lịch y tế phù hợp và khả thi với du khách trong và ngoài nước cần có nhiều thời gian và giải pháp quyết liệt.
Nhìn chung hiện nay, nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh đã có quy trình khám chữa bệnh riêng dành cho khách nước ngoài và có các gói dịch vụ riêng kèm theo giá cụ thể, tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành có thể dễ dàng chào bán tour cho các sản phẩm du lịch y tế. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe đặc trưng, cần xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe chính như các dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp; các nhóm y tế giải phẫu và không giải phẫu... và sản phẩm du lịch có liên quan đến y tế và chăm sóc sức khỏe với các sản phẩm bổ trợ như spa thư giãn, ẩm thực thực dưỡng với thảo dược... nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch y tế và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Sở Du lịch và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (2018), Cẩm nang du lịch y tế TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2018.
2. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2019), tài liệu Hội thảo "Giới thiệu tiềm năng phát triển sản phẩm Du lịch Y tế TP.Hồ Chí Minh", tháng 3/2019.
3.https://laodong.vn/du-lich/phat-trien-mo-hinh-du-lich-y-te-o-tphcm-day-tiem-nang-hay-phai-giai-quyet-xong-bai-toan-qua-tai-609284.ldo
4. http://vtr.org.vn/tiem-nang-phat-trien-san-pham-du-lich-y-te-thanh-pho-ho-chi-minh.html
5.https://plo.vn/thoi-su/tphcm-dua-ra-hang-loat-giai-phap-vuc-day-du-lich-sau-dich-923650.html
NCS. Lý Thành Tiến
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899