Giải pháp tháo dỡ khó khăn gắn với tăng trưởng kinh tế

27/08/2021, 09:59

TCDN - Trước khi đại dịch xảy ra vào năm ngoái, ý niệm thiệt hại kinh tế, chính trị do giãn cách xã hội (GCXH) tốn kém đến mức mà con người “không nghĩ đến khái niệm phong tỏa”. Điều không thể tưởng tượng được, GCXH toàn quốc là quyết định khó khăn nhất và cũng là thành công nhất của Việt Nam vào thời điểm đó.

Tóm tắt

Nền kinh tế nước ta đang tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khó khăn, đình trệ, nhất là doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải… Đặc biệt, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 bùng phát ở các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp logistics và vận tải đang đối diện nguy cơ đứt gãy và bị gián đoạn hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa và liên kết sản xuất trong nước, kéo theo tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, việc thiết thực hóa các giải pháp liên quan đến thuế, phí, thủ tục hành chính, chính sách tín dụng và tiêm vaccine… hỗ trợ DN và người lao động đặc biệt người cao tuổi vượt qua khó khăn đang được đặt ra hết sức cấp bách.

giai phao thao do kho khan

Sức khỏe người dân là thiêng liêng

Trước khi đại dịch xảy ra vào năm ngoái, ý niệm thiệt hại kinh tế, chính trị do giãn cách xã hội tốn kém đến mức mà con người thậm chí “không nghĩ đến khái niệm phong tỏa”. Điều không thể tưởng tượng được, giãn cách xã hội toàn quốc là quyết định khó khăn nhất và cũng là thành công nhất của Việt Nam vào thời điểm đó. Giờ đây mô hình này không xa lạ ở nhiều nước trên thế giới.

Trước hết, quyết định phong tỏa là điều hiển nhiên, bởi mạng sống từng con người là vô giá. Không ai có thể dùng bất kỳ phép đo lường thiệt hơn nào để so sánh với sinh mạng và sức khỏe con người. Các nghiên cứu tâm lý hành vi cho thấy, nhận thức rủi ro của con người rất sợ hãi trước một kết cục đặc biệt tồi tệ. Trước những nỗi đau kéo dài do bệnh tật như ung thư chẳng hạn, đối với họ còn khủng khiếp hơn cả một tai nạn giao thông bất ngờ. Con người sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để tránh khỏi kết cục đau lòng này. Còn những nỗi đau do Covid-19 mang lại không chỉ cho bản thân mà còn những người thân trong gia đình, ắt hẳn cũng nằm trong nỗi lo sợ cao độ mà con người thầm mong đừng bao giờ gặp phải!

“Nhiều người bây giờ ca ngợi về tự do, nhưng sự an toàn của người dân vẫn phải là luật tối cao của chính trị, bây giờ và mãi mãi”- đây là một luận điểm trên tờ Financial Times về cách tiếp cận sức khỏe và tính mạng người dân phải được đặt ở mức cao nhất, thậm chí ngay tại các nước phương Tây vốn chuộng quyền tự do cá nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cụ thể hơn, lời khẳng định “Bảo vệ tính mạng con người là giá trị cao nhất của quyền con người; và Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để thực thi điều thiêng liêng đó” của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm rồi, là một quyết định chính trị hợp lòng dân và vẫn còn giá trị đến “bây giờ và mãi mãi”.

Đối với người Việt, vốn tôn trọng truyền thống lễ nghĩa, các thiệt hại do không thể gặp mặt người thân trong thời gian dài; tình trạng trầm cảm, bạo lực gia đình… còn là cái giá phải trả không thể tính hết.

Nhiều người thiệt mạng do các bệnh lý khác nhưng không thể đến bệnh viện để điều trị có khi còn cao hơn cả tỷ lệ tử vong do chính Covid-19 gây ra. Ngoài ra, đó còn là những thiệt hại nguồn vốn con người đến từ việc hàng triệu trẻ em quá lâu không được đến trường.

Còn nếu tính đến các thiệt hại kinh tế vĩ mô do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, các thiệt hại của quyết định phong tỏa là không thể tính hết và cũng không chỉ gói gọn trong các cân nhắc về kinh tế - xã hội. Đứng trước giao điểm của ngã ba đường, các quyết định giãn cách xã hội hay phong tỏa và ở mức độ nào, cùng với việc sản xuất sao cho an toàn là một quyết định vô cùng khó khăn của chính quyền trong điều kiện Việt Nam còn sống chung với dịch Covid-19 lâu dài.

Phải khai thông quyết sách

Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ DN: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho nhóm DN có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng…

Mới đây, ngày 1/7/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ gói 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các chính sách này giúp DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng sức chống chịu trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển trong bối cảnh sống chung với dịch vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn lại. Theo kết quả điều tra PCI 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố ngày 16/4/2021, Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian, cả về chi phí không chính thức, an ninh trật tự, cải cách hành chính và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh, cũng như sự năng động, tiên phong của chính quyền cấp tỉnh...

Thế nhưng kết quả điều tra có những cứ liệu khác đáng quan ngại. Cụ thể, 1/4 trong tổng số gần 12.300 DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phản hồi khảo sát, cho rằng địa phương ưu ái DN nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân; 1/3 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái DN FDI.

Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020, được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra… Nhưng theo VCCI, vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế. Việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực nhưng các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành. Cùng sản phẩm, cùng mục đích DN phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2-3 nơi, dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí. Đó là chưa nói đến sự nhũng nhiễu doanh nghiệp trong điều kiện bình thường đã cần lên án, trong dịch Covid-19 càng không thể chấp nhận và cần được nhận diện, xử lí nghiêm khắc, kịp thời.

Xem xét lại bài toán thuế - phí và các gói hỗ trợ

Cần sớm ban hành gói kích thích kinh tế mới đủ liều lượng và đúng trọng tâm, trọng điểm để vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào mô hình tăng trưởng nhiều đáy. Về thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ quy định hướng dẫn thủ tục đối với người lao động có hợp đồng, theo hướng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn.

Đối với người lao động tự do, Chính phủ giao các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Với DN, gói hỗ trợ theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP đang được tiếp tục, với việc quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2021; mở rộng thêm một số đối tượng ngành nghề sản xuất-kinh doanh và đơn giản hóa một số điều kiện tiếp cận.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này chưa có sự đột phá đáng kể. Còn Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục cho phép gia hạn nợ vay và không thay đổi phân loại nợ đối với DN gặp khó khăn do Covid-19 với tổng dư nợ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã lan rộng toàn cầu và diễn biến rất phức tạp, để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt kinh tế, tài chính và xã hội.

Vì vậy, trọng tâm chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2021 nên tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, cả ảnh hưởng vật chất, tài chính lẫn tinh thần. Theo đó, nửa cuối năm 2021 việc hỗ trợ cần được xem xét theo tình hình thực tế.

Một là, Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ (DV) còn cả các trung tâm công nghiệp (CN) và xuất khẩu (XK). Do đó, cả khu vực DV (chiếm trên 42% GDP) lẫn CN (chiếm trên 40% GDP) đều cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.

Hai là, Covid-19 không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực CN và nông nghiệp như đối với khu vực DV, song ảnh hưởng tiêu cực là không thể phủ nhận. Gói hỗ trợ cần thiết kế dựa trên việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ tác động đến các yếu tố đầu vào, đầu ra của nền kinh tế và của từng DN, nhóm DN.

Ba là, bên cạnh gia hạn thuế, tiền thuê đất cần bổ sung ngay biện pháp miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất, đồng thời tăng thời gian gia hạn lên ít nhất 12-15 tháng. Cân đối lại ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 bao gồm cả nguồn lực và chi phí để phòng chống dịch, hụt thu do gia hạn, miễn giảm thuế, phí, chi hỗ trợ người dân, DN và khả năng tăng nợ công.

Bốn là, đơn giản hóa, thuận lợi hóa, thực tế hóa quy trình và thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận của DN và người dân với các gói hỗ trợ, chấm dứt tình trạng giải ngân chậm, có tiền mà không tiêu được trong khi nhiều DN và người dân đang rất khó khăn.

Năm là, tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay, đồng thời xem xét bổ sung biện pháp xóa nợ những trường hợp đủ điều kiện kết hợp với đề án xử lý nợ xấu. Đặc biệt, trọng tâm của kích thích kinh tế năm 2021-2022 là khu vực ngoài nhà nước, vì đó mới thật sự là cứu cánh vững chắc và hiệu quả nhất cho phục hồi và vượt qua đáy tăng trưởng kinh tế.

Hỗ trợ cho người dân và DN không chỉ đơn thuần là việc “phát tiền”, bởi đó là nhóm giải pháp hỗ trợ về chính sách, trong đó trọng tâm là chính sách hỗ trợ về thuế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, giảm thuế và các chi phí khác cho người dân nhất là người cao tuổi không có thu nhập thường xuyên đỡ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 (điện, nước, thuê nhà, thuế, phí, viễn thông…) thì nguồn thu ngân sách suy giảm là điều tất yếu, hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Mặt khác, con số chỉ tiêu tăng lên cũng phần nào cho thấy những gói hỗ trợ người dân và DN đang được triển khai đúng tiến độ. Chúng ta nói nhiều đến thắt chặt chi tiêu công, điều này cũng hàm ý cắt giảm chi tiêu phải xuất phát từ phía Nhà nước, chủ động tiết kiệm chi thường xuyên; hay như một số dự án đầu tư định thực hiện tạm thời hoãn lại, dồn nguồn lực cho hỗ trợ chống dịch và giải cứu DN.

Điều này cho thấy những báo cáo của các cơ quan thuế như vừa qua phần nào cho thấy chính sách hỗ trợ về thuế vẫn chưa thực chất. Các cơ quan chức năng vẫn chưa dám chấp nhận suy giảm tài khóa, chưa dám để ngành Thuế nên có sự nới lỏng, giảm nguồn thu để hỗ trợ người dân và DN một cách nhất quán.

Về cơ bản, nguồn thu thuế từ DN và người dân chứ không phải ngành Thuế tự làm ra được. Do vậy cần có sự “nới room” trong thu thuế, đó là một số loại thuế nên được miễn, giảm hoặc hoãn để cho DN và người dân có thể tồn tại vượt qua đợt dịch, trở lại trạng thái hoạt động “bình thường mới” có thể duy trì được nguồn thu tiếp trong tương lai.

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất tích cực đề xuất và ban hành các chính sách hỗ trợ DN ứng phó tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4. Nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực thi chính sách đã được rút kinh nghiệm để đề ra chính sách hợp lý hơn, phù hợp hơn.

Hàng loạt quyết sách đã được ban hành như xã hội hóa nguồn tài chính về vaccine, đa dạng hóa đối tượng là doanh nghiệp tự mua và tiêm vaccine. Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách cho phát triển kinh tế cần tách bạch rõ về 2 nhóm giải pháp. (1) Hỗ trợ DN, người dân ứng phó với dịch, duy trì sản xuất - kinh doanh. (2) Giải pháp căn cơ, dài hạn để chuẩn bị nền tảng cho phát triển và phục hồi kinh tế trong và sau dịch. Điều này cần được thể hiện trong cả tư duy và hành động, tránh tập trung quá mức vào giải pháp ngắn hạn đối phó với tác động của dịch như hiện nay.

Về giải pháp trước mắt, Chính phủ nên nghiên cứu, bổ sung thêm các giải pháp cắt, giảm (không chỉ tạm giãn, tạm hoãn) chi phí để hỗ trợ DN giảm chi phí hoạt động, duy trì sản xuất. Theo đó, miễn hoặc giảm thuế VAT cho các vật tư phòng chống dịch, xét nghiệm. Dừng ban hành các quy định làm gia tăng chi phí về thời gian và tiền cho DN, thực hiện rà soát các quy định gây khó khăn cho DN...

Các giải pháp, biện pháp hỗ trợ phải hướng tới thị trường, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả hơn và giảm hỗ trợ cào bằng, tài chính trực tiếp. Thí dụ, các biện pháp kỹ thuật như khuyến khích mua cổ phần hay cổ phần ưu đãi trong DN có thể hiệu quả hơn là cấp tiền mặt hoặc cho vay.

Cơ cấu lại nền kinh tế và khu vực DN

Về giải pháp dài hạn, căn cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế vẫn cần xem đây là chiến lược lâu dài. Dịch Covid-19 là dịp và cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế và khu vực DN, hướng nền kinh tế năng động, tự lực tự cường, xây dựng “dư địa” cho tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong tương lai. Để đạt được điều này, cần dựa trên 3 nhóm giải pháp trụ cột.

Thứ nhất, phân bổ nguồn lực hiệu quả với khu vực DN năng động. Theo đó, tập trung các giải pháp tăng năng suất, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả, bao gồm cả đầu tư công; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh, dễ dàng gia nhập, rút lui khỏi thị trường và tái cấu trúc DN; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và mô hình kinh doanh mới.

Thứ hai, trợ giúp đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh. Ngoài giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người lao động, nên tập trung cơ cấu lại lao động, việc làm thông qua chương trình đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kĩ năng mới cho lao động đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong bối cảnh mới Cách mạng 4.0 và kinh tế chia sẻ.

Thứ ba, phát triển bền vững, bao trùm chính là bài học từ việc phát sinh và tác động của dịch Covid-19. Do đó, để đạt “mục tiêu kép” về phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt và hướng đến phục hồi kinh tế bền vững, mạnh mẽ, Chính phủ cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược tổng thể về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp dài hạn, nền tảng.

Về các gói hỗ trợ hiện nay thực tế còn khiêm tốn và chưa đa dạng. Bởi vậy, sẽ là không đủ nếu DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhận được thêm những giải pháp thiết thực khác, như giảm lãi suất cho vay, linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng.

Các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt giữa thị trường trong nước với nước ngoài, giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…

Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi thế giới đương đại, cả trong tư duy và phương thức quản lý, sản xuất, phân phối, tiêu dùng các nguồn lực và của cải xã hội, cả vĩ mô và vi mô, cả quản trị DN, cũng như quản lý nhà nước đối với hoạt động của DN. Những quyết sách kịp thời trong lúc này sẽ giúp DN và người dân củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất - kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thủ tướng Chính phủ (2021) Nghị định số 52/2021/NĐ-CP

2. Quốc hội (2019) Luật số 38/2019/QH14 của Quốc tế: Luật Quản lý thuế.

3. Kết quả điều tra PCI 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

ThS. Trần Trọng Triết

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh An Giang

Tạp chí in số tháng 8/2021
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp tháo dỡ khó khăn gắn với tăng trưởng kinh tế tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan