Giao dịch vay online, tiện lợi hay tiếp tay cho lừa đảo?
TCDN - Bằng việc chuyển hóa hình thức vay tiêu dùng từ việc phải đi tới các ngân hàng để thực hiện thủ tục, thì giờ đây nhiều nhà băng đã phát triển hình thức vay online để thu hút khách hàng hơn. Thế nhưng, đây cũng là hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Hiện nay, các dịch vụ vay tiền online đang dần trở thành xu hướng của “những người lười ra ngân hàng”. Bởi vì chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính vào trang web ngân hàng cho vay Online thì người vay tiền không cần phải nhiều hồ sơ phức tạp, hay tốn thời gian đi lại vẫn có thể vay được một khoản tiền nhất định. Thế nhưng bởi vì sự tiện lợi này, mà nhiều người đã lợi dụng giả mạo khách hàng của các ngân hàng nhằm vay tiền mà không cần phải trả tiền.
Lừa đảo trúng thưởng
Mới đây, một khách hàng của ngân hàng VP Bank – chị N.T.M.K (trú tại Hà Nội) là nạn nhân của những người lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng. Cụ thể, vào chiều ngày4/12, chị nhận tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng một sổ tiết kiệm từ "San so loc vang" tri ân và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải.
Vì tò mò, chị M đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay tên miền có giao diện màu sắc logo, phông chữ, nền... giống như website của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nơi chị vẫn thường truy cập để giao dịch.
Cùng lúc, chị nhận được một cuộc gọi tự xưng là "nhân viên ngân hàng" hỏi đích danh tên (cả tên cũ và tên mới chuyển đổi). Người này đọc số đầu và 4 số cuối của thẻ tín dụng. Sau đó "nhân viên" này thông báo chị đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng và yêu cầu đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải. Đã cảnh giác hỏi lại xong chị được trả lời rằng đó là quy định của ngân hàng, nếu không tin chị có thể gọi đến tổng đài để xác minh...
Ngay sau đó, chị nhận tin nhắn báo đã vay ngân hàng 360 triệu đồng. 5 giây sau, chị tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng... Tổng cộng, chị M nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ hết 11,5 triệu đồng trong tài khoản.
Chị M. cuống quýt gọi lại cho nhân viên ngân hàng VPBank - Chi nhánh Giảng Võ kể về vụ việc, yêu cầu khóa thẻ, phong tỏa tài khoản và các giao dịch. Không chỉ chị M. bị, thời gian gần đây, nhiều khách hàng khác cũng dính bẫy lừa cái gọi trúng thưởng từ các "nhà băng" giả như vậy. Phần thiệt thòi chính là khách hàng đã bị lừa như vậy.
Ngân hàng tiếp tay cho lừa đảo?
Về khoảng thời gian từ 16:23p đến 16:24p:23s, tài khoản VPBank của chị M có ba giao dịch phát sinh và việc chuyển đổi phương thức nhận mã OTP của khách hàng đã thành công và địa chỉ email đăng ký nhận OTP (là địa chỉ đã được khách hàng N.K.M đăng ký trên hệ thống VPBank từ năm 2016).
Mặc dù hàng loạt giao dịch với những kẻ lừa đảo diễn ra, nhưng chị M. cũng khẳng định, ngoài các tin nhắn qua điện thoại nói trên không có bất cứ email nào từ phía ngân hàng thông báo về các giao dịch trên, thông báo mã OTP hay kết quả thực hiện giao dịch. Và cả ngày 4/12 email này chị M. vẫn dùng để nhận các email đến và gửi email đi như thường ngày mà không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Không chỉ thế, ngân hàng thông báo việc thay đổi phương thức nhận OTP đã chuyển từ SMS sang email thành công nhưng sau đó mọi thông tin giao dịch vẫn được gửi vào điện thoại. Điều này chứng tỏ việc chuyển đổi phương thức nhận OTP không thành công, đồng thời hệ thống của ngân hàng VPBank bị hack?
Đáng chú ý, các giao dịch rút tiền, vay tiền chỉ thực hiện trong 2 phút “chóng vánh” và được thực hiện cùng lúc trong khi chị M đang gọi điện thoại nói chuyện với người tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Theo tìm hiểu, các giao dịch vay Online của VPBank thực hiện trong 4 bước như sau: Đăng ký thông tin và Upload hồ sơ; VPBank gọi điện tư vấn khoản vay; Thẩm định và phê duyệt hồ sơ; Giải ngân tài khoản cho khách hàng. Nhưng dường như trong giao dịch vay tiền của kẻ gian với ngân hàng xảy ra rất nhanh, dường như ngay cả ngân hàng cũng bỏ qua bước gọi điện tư vấn khoản vay và thẩm định, phê duyệt hồ sơ. Nên thế, chỉ trong 2 phút mà kẻ gian liền thực hiện thành công 18 giao dịch và khoản vay lớn là 450 triệu đồng.
Thế nhưng, điều làm cho khách hàng hoang mang trong vụ việc lần này đó chính là vì sao người tự xưng “nhân viên” có thể đọc chính xác thông tin, họ tên đầy đủ, số điện thoại của khách hàng chính xác.
Nhiều nghi vấn được đặt ra trong vụ việc này là liệu hệ thống ngân hàng có bị hack dẫn đến lộ thông tin của khách hàng hay trong vụ việc này có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng?
Bên cạnh đó, các chính sách vay online của ngân hàng liệu có đảm bảo an toàn thật sự cho khách hàng không? Hay giống như chị M, chỉ trong 2 phút, ngân hàng dường như bỏ đi yếu tố quan trọng nhất là gọi điện tư vấn khoản vay cho khách hàng.
Bộ Công An cùng với ngân hàng VPBank liền ra cảnh báo về các thủ đoạn của những người lừa đảo “hóa thân” thành các nhân viên ngân hàng nhằm lấy thông tin tài khoản của khách hàng. Sau đó, những kẻ giả mạo này sẽ giao dịch online với ngân hàng để rút tiền hoặc vay tiền.
Theo Bộ Công An cho biết, đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi. Dịp cuối năm khi khối lượng giao dịch trong tài khoản ngân hàng gia tăng cũng là thời điểm tội phạm hoạt động ngày càng nhiều, nhà chức trách nhận định.
Các tin nhắn giả lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu "thật" của các ngân hàng trên điện thoại của người dùng.
Trong nội dung tin nhắn giả mạo luôn kèm đường dẫn đến các trang web giả mạo do chúng quản lý với giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng. Người dân khi truy cập sẽ được yêu cầu điền tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP... Khi có được thông tin, kẻ lừa đảo sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi vi phạm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899