Giới siêu giàu ở Anh "tháo chạy" bởi thuế thừa kế mới
TCDN - Người nước ngoài sống ở Anh hiện phải đối mặt với thuế thừa kế 40% đối với tài sản trên toàn cầu và đó là vấn đề lớn đối với họ.
Những người giàu nhất ở Anh sẽ chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt chính sách thuế của quốc đảo sau khi Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves phớt lờ cảnh báo về làn sóng tháo chạy của giới siêu giàu nước ngoài, tiếp tục động thái nhằm bãi bỏ chế độ thuế đối với người nước ngoài không thường trú tại Anh
Trong kế hoạch ngân sách mùa Thu, chính phủ Anh tuyên bố họ sẽ chấm dứt việc sử dụng các quỹ tín thác nhằm tránh thuế thừa kế đối với tài sản ở nước ngoài của người nước ngoài không thường trú tại Anh, vốn là một phần trong kế hoạch bãi bỏ chế độ thuế không thường trú mà theo Bộ trưởng Reeves, sẽ giúp thu về 12,7 tỷ bảng (hơn 16,5 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Chế độ không thường trú là một quy định thuế của Anh, theo đó những người cư trú tại Anh nhưng có hộ khẩu thường trú ở nước khác không phải trả thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong tối đa 15 năm.
Một doanh nhân châu Âu thừa nhận việc người nước ngoài sống ở Anh hiện phải đối mặt với thuế thừa kế 40% đối với tài sản trên toàn cầu thực sự là vấn đề, khẳng định ông không hối tiếc khi chuyển đến Thụy Sỹ vào đầu năm nay.
Một công dân châu Âu không phải thường trú nhân mới đây đã rời Anh đến sống đồng thời ở Hy Lạp và Thụy Sỹ cũng kể rằng, hầu hết bạn bè của bà hoặc đã rời Anh hoặc chắc chắn sẽ rời đi sau khi kế hoạch Ngân sách được công bố.
Mặc dù vậy, chính phủ xác nhận rằng, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy chỉ có 1.200 trong tổng số 74.000 người nước ngoài không thường trú có khả năng rời Anh do những thay đổi về chính sách thuế (bao gồm thuế thừa kế). Theo phân tích này, chỉ có thêm 200 người nước ngoài có khả năng rời Anh sau các chính sách thuế chặt chẽ hơn của Công đảng.
Bà Reeves nói rằng chính phủ cũng sẽ tăng thuế đối với lãi suất chuyển nhượng - là phần lợi nhuận mà các nhà quản lý vốn tư nhân được giữ lại khi thoái vốn khỏi các khoản đầu tư - từ 28% lên 32% bắt đầu từ tháng Tư. Thuế thu nhập từ vốn đối với các tài sản khác cũng tăng từ 20% lên 24%.
Ông Haakon Overli, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm châu Âu Dawn Capital, lập luận rằng việc tăng thuế đối với lãi suất chuyển nhượng và thuế thu nhập từ vốn có thể đồng nghĩa với việc tiền rời khỏi hệ sinh thái công nghệ của Anh.
Các biện pháp khác nhắm vào người giàu nước ngoài gồm tăng thuế trước bạ từ 3% lên 5%. Ông Ed Tryon, đồng sáng lập công ty mua bất động sản Lichfields, chỉ ra rằng sức hấp dẫn của London đối với người mua nước ngoài đã giảm trong thập kỷ qua kể từ thời kỳ đỉnh cao của thị trường vào năm 2014, cho rằng mức tăng thuế thêm 2% là một lý do nữa để các nhà đầu tư nước ngoài không cam kết vào thị trường này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899