Hà Giang: Ứng dụng phần mềm quản lý 4.200ha vùng cam VietGap

10/03/2020, 10:32

TCDN - Để quản lý vùng cam rộng lớn trên, tỉnh Hà Giang đã có Dự án “Xây dựng phần mềm quản lý diện tích cam đã được cấp Giấy chứng nhận VietGap trên nền bản đồ VN2000”.

Ông Giang Văn Thành (Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Hà Giang) cho biết, đề án này nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ vùng cam được chứng nhận từ cấp huyện đến xã, thôn; thành lập trang WebGIS thông tin với nhiều chức năng: tương tác bản đồ, tìm kiếm, hiển thị, truy vấn và cập nhật thông tin.

Cũng theo ông Thành, phần mềm quản lý vùng cam VietGap cho phép các cấp quản lý và người dùng tiếp cận thông tin mới nhất, nhanh nhất, phục vụ hiệu quả công tác quản lý và chỉ đạo phát triển sản xuất của các sở, ban, ngành, đơn vị tại địa phương.

Hà Giang ứng dụng phần mềm quản lý 4.200ha vùng cam VietGap. (Ảnh minh họa)

Hà Giang ứng dụng phần mềm quản lý 4.200ha vùng cam VietGap. (Ảnh minh họa)

Đồng thời đây cũng là công cụ hữu ích để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm cam sành Hà Giang trên thị trường, tăng thu nhập cho người trồng cam, đáp ứng nhu cầu sử dụng mặt hàng cam an toàn của người tiêu dùng.

Việc ứng dụng phần mềm vào quản lý vùng cam VietGap giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, người canh tác, chế biến, kinh doanh mặt hàng cam của tỉnh. Điều này giúp ích nhiều cho việc kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các đối tác như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Siêu thị Co.opmart, Siêu thị Fivimart, Siêu thị Metro, Chợ đầu mối Thủ Đức… và kết nối với các doanh nghiệp tại châu Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc) để xuất khẩu hàng hóa.

Trong thời gian tới, việc ứng dụng phần mềm sẽ tiến tới nâng cấp, hoàn thiện, trở thành hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt của tỉnh, bao gồm đầy đủ thông tin dữ liệu về giống cây trồng; phân bón; sản xuất trồng trọt; chế biến và thị trường sản phẩm trồng trọt; văn bản quy phạm pháp luật; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 74 cơ sở/vùng trồng cam được cấp Giấy chứng nhận VietGap với trên 4.280 ha/3.243 hộ sản xuất, tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020 xác định cam là một trong 5 loại cây, con chủ lực của giai đoạn này. Vì vậy, những năm qua, cam sành luôn được tỉnh quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, diện tích, sản lượng, chất lượng không ngừng tăng qua từng năm.

Để bảo vệ thương hiệu cam Hà Giang, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hà Giang" dùng cho sản phẩm cam Sành. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm cam sành. Mục tiêu đến 2020 có trên 50% diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGap..

Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích cam sành lớn nhất của cả nước, được trồng tập trung tại ba huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Cam sành đã được tỉnh Hà Giang xác định là cây kinh tế mũi nhọn.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Hà Giang: Ứng dụng phần mềm quản lý 4.200ha vùng cam VietGap tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan