Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất dự án chậm triển khai

06/04/2022, 13:12

TCDN - Cơ quan chức năng đã kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo, đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra đối với 135 dự án.

Kết quả có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; 74 dự án UBND thành phố đã có kế hoạch số 235 ngày 21/10/2021 giao Sở KHĐT tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Hà Nội kiến nghị thu hồi 29 dự án với tổng diện tích hơn 1.800ha đất.

Hà Nội kiến nghị thu hồi 29 dự án với tổng diện tích hơn 1.800ha đất.

Với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra đối với 404 dự án.

Kết quả cho thấy, 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm pháp luật đất đai, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm; kiến nghị trình UBND TP thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất.

60 dự án với tổng diện tích ̣95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng. UBND thành phố đã xác định số tiền tương ứng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian gia hạn 24 tháng với tổng số tiền 209,346 tỷ đồng;

63 dự án với tổng diện tích 1.426,1 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Tại báo cáo, UBND TP cũng chỉ ra một số dạng vi phạm của các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm chủ yếu.

Cụ thể như, dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương), nhưng chưa được nhà nước nước giao đất, cho thuê đất, chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện.

Dự án không thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, để kéo dài nhiều năm, chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện.

Ngoài ra, có các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa vào sử dụng...

Về kiến nghị, đề xuất, UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề về biện pháp giải quyết, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

PV (T/h)
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất dự án chậm triển khai tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hà Nội: Điểm mặt những dự án 'treo' ôm đất nhiều năm
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị lớn trên địa bàn như dự án Sông Hồng City; khu nhà ở văn phòng IDC..., sau hàng thập kỷ vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển.