Hà Nội lại có thêm ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan quán bia Lộc Vừng
TCDN - Liên quan đến quán bia Lộc Vừng (Thanh Trì, Hà Nội), sau khi phát hiện một người đàn ông nghi nhiễm Covid-19, cơ quan chức năng tiếp tục xác định được thêm một ca nghi mắc là con rể bệnh nhân đầu tiên, cả hai đều có thời gian lưu trú trong những ngày gần đây tại quán bia này.
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 12/8, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Tiến Cường cho biết, hiện huyện đã điều tra sơ bộ diện tiếp xúc với bệnh nhân 867 (trú tại huyện Bình Giang, Hải Dương).
Theo đó, bệnh nhân 867 trú tại nhà con gái, đồng thời là quán bia Lộc Vừng (CT3.13 Khu đấu giá 4H-5H, xã Tứ Hiệp, H.Thanh Trì) là căn nhà 2 tầng, diện tích sử dụng 120 m2/tầng. Nhà hàng đã đóng cửa từ ngày 10/8. Bệnh nhân và 4 người nhà con gái ngủ cùng trong một phòng ngủ diện tích 30 m2, sử dụng điều hòa thường xuyên.
Bệnh nhân được xét nghiệm PCR 4 lần, trong đó có 2 lần dương tính.
Theo ông Cường, bệnh nhân không đến Đà Nẵng hoặc bất cứ khu vực có dịch nào khác, không rõ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm là ai, ở đâu. "Nhiều khả năng bệnh nhân lây nhiễm khi còn ở Hải Dương, vì triệu chứng đã có trước khi bệnh nhân lên Hà Nội", theo ông Cường.
Cũng ông Cường cho biết, hiện đã xác định thêm 1 ca nghi mắc là con rể bệnh nhân 867, tên là Đ.V.L, là người đi cùng bệnh nhân từ Hải Dương lên Hà Nội, cũng trú tại quán bia Lộc Vừng trong những ngày ở đây. Trường hợp này đã được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
Huyện đã xác định được 14 F1, 89 F2 liên quan đến bệnh nhân này.
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) Trương Quang Việt, bệnh nhân 867 có lịch trình ở, đi lại, khám bệnh rất phức tạp, nên không xác định được thời điểm nhiễm của bệnh nhân.
Có mặt tại cuộc họp, PGS - TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cũng cho rằng với sự xuất hiện của bệnh nhân 867 và việc cô Đ.T.A được phát hiện dương tính khi bay từ Nội Bài sang Nhật, cho thấy Hà Nội phải lưu ý xem có xét nghiệm ca mắc ở cộng đồng tại Hà Nội hay không, vì Đà Nẵng, Hà Nội, hay TP.HCM nguy cơ giống nhau.
"Ca Hải Dương (bệnh nhân 867 - PV) chưa biết lây ở đâu, lây ở Hà Nội hay Hải Dương. Nếu lây ở Hải Dương thì Hà Nội đỡ lo. Nếu lây ở Hà Nội thì Hà Nôi rất đáng lo. Bắt được ca lây bệnh này rồi cũng chưa chắc là F0, mà càng bị nhiều chu kỳ dịch thì tính số ca lây nhiễm ở cộng đồng càng lớn.
Nếu ca đó mà lây ở Hà Nội thì phải đặt vấn đề nên phải kiểm tra các yếu tố dịch tễ khác, không nói tìm ra F0, nhưng phải tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa", ông Phu đặt vấn đề.
Theo ông Phu, Hà Nội phải tính đến việc xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định và ngành y tế phải tham mưu cho UBND thành phố, có kế hoạch hẳn hoi.
"Không chỉ xét nghiệm F1 mà các trường hợp sốt, ho là ta chỉ định. Ví dụ, ca vào Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn là những ca chỉ điểm, ta không phát hiện là ca đó qua đi, mà ụp một phát như Đà Nẵng là một vấn đề. Phải rất rõ chuyện này", ông Phu cảnh báo.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho biết, hiện Hà Nội rất "quan tâm" đến 2 ca bệnh này để có ứng phó phù hợp.
Thêm ba ca nhiễm nCoV
Bộ Y tế sáng 13/8 ghi nhận thêm ba ca nhiễm nCoV, trong đó hai ca ở Quảng Nam và một ca nhập cảnh cách ly tại Bạc Liêu.
"Bệnh nhân 881", nữ, 40 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày 9/8, chị từ Ả Rập Xê Út về sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VN5002, cách ly tập trung tại tỉnh Bạc Liêu ngay sau khi nhập cảnh. Mẫu xét nghiệm ngày 11/8, kết quả dương tính với nCoV. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu.
"Bệnh nhân 882", nam, 51 tuổi, thường trú tại quận Gò Vấp, TP HCM; tạm trú tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Ngày 28/7, ông từ TP HCM ra chăm sóc mẹ là "bệnh nhân 524" tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam.
Ngày 29/7, ông tiếp xúc trực tiếp với "bệnh nhân 626". Sau đó, ông được đưa vào khu cách ly tập trung Khách sạn Mỹ Sơn, kết quả xét nghiệm ngày 12/8 dương tính với nCoV. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam.
"Bệnh nhân 883", nữ, 83 tuổi, ở Hội An, Quảng Nam, là mẹ của "bệnh nhân 858". Từ ngày 9-23/7, bà điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Từ trưa 23/7, bà về nhà tại Hội An, kết quả xét nghiệm ngày 12/8 dương tính với nCoV. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam.
Hôm nay, thêm 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu; Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư và Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu.
Như vậy 24 giờ qua ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới, 10 người khỏi bệnh. Tổng số ca nhiễm cả nước lên 883, trong đó 409 người đã khỏi, 17 ca tử vong, còn 457 bệnh nhân đang điều trị.
Từ đầu dịch, Việt Nam ghi nhận 322 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, không lây lan cộng đồng từ nhóm này.
Từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 421 ca lây nhiễm trong nước tại 14 tỉnh, thành phố, hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng. Bệnh nhân ở Hải Dương ghi nhận tại Hà Nội chiều 12/8 nên được tính vào số bệnh nhân Hà Nội.
Đây là ca hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm. Một cô gái Hà Nội nhập cảnh Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/8 được cơ quan kiểm dịch nước này ghi nhận dương tính nCoV, cũng chưa rõ nguồn lây nhiễm từ Việt Nam. Người thân của cô này ở Hà Nội xét nghiệm âm tính.
Đến nay, tổng cộng Đà Nẵng ghi nhận 296 ca, Quảng Nam 79, TP HCM và Hà Nội đều 8, Bắc Giang và Quảng Trị mỗi nơi 6, Quảng Ngãi 5, Lạng Sơn 4, Đăk Lăk ba, Đồng Nai hai; Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa mỗi tỉnh một ca.
Hơn 133.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 5.000 người, tại cơ sở tập trung hơn 25.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thế giới ghi nhận hơn 740.000 người chết hơn 20 triệu ca nhiễm tại 213 quốc gia. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và số tử vong cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899