Hà Nội sắp có thêm hai tuyến đường mới, vốn hơn 1.500 tỷ đồng

20/02/2024, 20:50
báo nói -

TCDN - Trong giai đoạn từ nay đến 2025, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 2 tuyến đường ở huyện Mê Linh gồm đường Tiền Phong - Tự Lập, đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan.

UBND Tp.Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng 2 tuyến đường ở huyện Mê Linh gồm đường Tiền Phong - Tự Lập, đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường 23B đi cảng Chu Phan có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu tại nút giao với đường 23B, điểm cuối nối vào cảng Chu Phan.

Nền đường rộng 22,5m, gồm lòng đường xe chạy rộng 15m (4 làn xe); dải phân cách rộng 1,5m; lề hai bên rộng 2x3m. Các nút giao giữa tuyến đường với các đường ngang khác được thiết kế giao bằng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổng mức đầu tư của dự án là 723 tỷ đồng từ ngân sách Tp. Hà Nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2025.

Dự án có mục tiêu góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng khu vực, hình thành mạng lưới giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị mới Mê Linh kết nối với các khu vực lân cận. Đồng thời rút ngắn quãng đường từ trung tâm hành chính huyện đến khu vực nông thôn phía tây huyện.

Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường như quốc lộ 23B, đê tả sông Hồng... góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tiền Phong - Tự Lập (giai đoạn 1) có chiều dài 6,2km, điểm đầu ngã tư Cổ Ngựa - xã Tiền Phong; điểm cuối nối với đường 48m từ Trung tâm hành chính huyện đi Trung tâm văn hóa thể thao huyện Mê Linh.

Công trình được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe. Bề rộng mặt cắt ngang 48m gồm mặt đường hai bên rộng 30m, dải phân cách giữa 2m, hè đường rộng 16m.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 791 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội, do UBND huyện Mê Linh làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 - 2024.

Mục tiêu của dự án là hoàn thiện hạ tầng khu vực, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng khu vực phía Bắc Thành phố Hà Nội, góp phần kết nối các tuyến vành đai (Vành đai 3; Vành đai 3,5; Vành đai 4); kết nối đô thị mới Mê Linh với Sân bay Nội Bài và huyện Đông Anh, tạo liên kết chặt chẽ để Mê Linh trở thành vị trí chiến lược trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

Theo đó, 7 tuyến đường vành đai nêu trên được xem là bộ khung định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, cấp thiết phải được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ trong giai đoạn trước mắt.

7 tuyến đường Vành đai số: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sắp có thêm hai tuyến đường mới, vốn hơn 1.500 tỷ đồng tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hà Nội đón hơn 650.000 lượt khách du lịch trong 7 ngày nghỉ Tết
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2/2024 đến hết ngày 14/2/2024 dương lịch, tức từ ngày 29/12 đến hết ngày 5/1 âm lịch), Thủ đô Hà Nội ước đón 653 nghìn lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội cấp phép mới 10 dự án FDI
Thành phố Hà Nội thu hút 866,8 triệu USD vốn FD trong tháng 1/2024, trong đó có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 859,4 triệu USD.