Hà Nội sắp có xe đạp công cộng, giá thuê ra sao?
TCDN - Dự thảo đề án xe đạp đô thị tại Hà Nội lập trên 400 địa điểm nhằm đa dạng hoá loại hình phương tiện vận tải hành khách, thân thiện với môi trường. Dự kiến dự án xe đạp công cộng thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng.
UBND TP.Hà Nội vừa nhất trí giao Sở Giao thông vận tải xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại 5 quận trung tâm.
Theo dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố, đối tượng phục vụ được dự án đặt ra là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố; khách du lịch; xe đạp được sử dụng cho dự án này tại 5 quận trung tâm bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện 2 bánh… Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm): Ở giai đoạn này sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Được bố trí từ 70 đến 80 vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2023.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, dự án mở rộng vùng phục vụ: Tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát và lựa chọn cụ thể.
Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng chi phí của dự án là khoảng 26 tỉ đồng (nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác). Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Theo tính toán của ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam- đơn vị thực hiện và xây dựng đề án xe đạp đô thị tại TP.HCM và Hà Nội) mức phí đơn vị dự kiến người dân tiếp cận xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/giờ xe đạp cơ; giá phí cho thuê cả ngày là 50.000 đồng/ngày. Đối với xe đạp điện, sau khi doanh nghiệp có cụ thể mức đầu tư cho một xe được nhập về sẽ tính toán để đưa ra mức phí cụ thể.
Mức phí cho xe đạp cơ hiện cũng được áp dụng cho xe đạp công cộng tại TP.HCM đã được Công ty Trí Nam triển khai từ 15/12/2021. Sau 3 tháng triển khai, loại hình xe đạp công cộng tại TP.HCM cũng đang được người dân đón nhận nhiệt tình. Ước tính nếu như kỳ vọng (mức độ người dân TP Hà Nội đón nhận như TP.HCM) thì khoảng 4 năm, doanh nghiệp sẽ hoàn vốn.
Trên mỗi chiếc xe đạp đều có một mã QR code, người dân tải app của “Xe đạp đô thị- TNG” cài đặt vào điện thoại, đăng ký tài khoản, nạp tiền (tối thiểu 10.000 đồng). Khi người dân có nhu cầu thuê xe chỉ cần bật ứng dụng, quét mã QR trên xe đạp, khóa điện của xe sẽ tự động mở cho người dân sử dụng. Trên ứng dụng sẽ tích hợp nhiều thông tin hỗ trợ người sử dụng.
Đặc biệt, mỗi chiếc xe đạp đều được cài đặt GPS để định vị lộ trình di chuyển hoặc tìm xe khi thất lạc. Ngoài ra, người dân có thể trả xe bất kỳ điểm nào mà không nhất thiết phải về bến nhưng khi đó sẽ phải bỏ ra một khoản phí thu xe hộ nhất định.
Các xe đạp đều được thiết kế chuyên biệt, chống tháo lắp các thiết bị và có hệ thống cảnh báo rung, xâm nhập bất hợp pháp…
Trước đó, vào năm 2014, Hà Nội cũng đã tiến hành thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Điện lực, ĐH Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Công ty CP Môi trường cây xanh đô thị là đơn vị thực hiện dự án thí điểm).
Đề án khi đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Tuy nhiên, kể từ ngày triển khai đến nay, các điểm cho thuê xe đạp công cộng của Hà Nội không để lại bất cứ dấu ấn nào cho giao thông đô thị.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899