Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động sau ngày 21/9

20/09/2021, 19:54

TCDN - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau ngày 21/9 Thành phố nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả; tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại…

Chiều 20/9, Thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Thông tin về việc quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân sau ngày 21/9, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, Sở tham mưu Thành phố tiếp tục duy trì các chốt ở cửa ngõ Thủ đô để kiểm soát việc ra vào Thành phố, đảm bảo giữ gìn thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Đối với vận tải nội đô, Sở tham mưu Thành phố tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn Thành phố. Vận chuyển hàng hóa nội đô sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, tạo thuận lợi tốt đa cho vận chuyển hàng hóa, phối hợp với Sở Công thương và các quận, huyện để hỗ trợ phương tiện cung ứng hàng hóa kịp thời, nhất là cung ứng cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhân dân.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh, Sở đang nghiên cứu để cho phép mở lại 1 số hoạt động shipper công nghệ với lượng phù hợp để vận chuyển hàng hóa cũng như đồ ăn mang về, phục vụ nhu cầu nhân dân, vừa đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động sau ngày 21/9.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động sau ngày 21/9.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội dự kiến thu hẹp các chốt kiểm soát ra vào Thành phố đang thực hiện. Cụ thể, trong giai đoạn tiếp theo, duy trì 55 chốt trên địa bàn Thành phố, trong đó có 22 chốt tại quốc lộ ra, vào Thành phố, 33 chốt tại các đường ngang, lối mở giáp ranh với các tỉnh lân cận (trước đó là 23 chốt của các tuyến quốc lộ, 44 chốt đường ngang, lối mở).

Trong quá trình triển khai các chốt kiểm soát ra vào Thành phố từ ngày 24/7 đến nay, Công an TP Hà Nội đánh giá, các chốt kiểm soát cơ bản đã ngăn chặn sự xâm lấn dịch bệnh vào Thành phố, kiểm soát được phương tiện ra vào. Vì vậy, giai đoạn tiếp theo cần duy trì các chốt kiểm soát để bảo vệ thành quả chống dịch. Việc đặt chốt trên nguyên tắc kiểm soát cả chiều vào và chiều ra Hà Nội, kiểm soát chặt người từ vùng có dịch, vùng nguy cơ vào Thành phố.

Trong thời gian tiếp theo, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai việc quét mã QR Code tại các chốt kiểm soát; trong kiểm soát người vào Thành phố chú trọng khai báo y tế, xét nghiệm và các yếu tố dịch tễ.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho hay, trên cơ sở kết quả công tác phòng chống dịch, căn cứ tình hình dịch tễ, xác định rõ nguy cơ và tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp, trao đổi với các tỉnh, thành phố xung quanh, Hà Nội xây dựng và đưa ra những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch sau ngày 21/9, trên quan điểm giữ được thành quả phòng, chống dịch, đồng thời phát huy hiệu quả cao hơn và toàn diện hơn trên các lĩnh vực.

Cụ thể, Thành phố nới lỏng một số hoạt động và yêu cầu, một mặt quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch để duy trì kết quả, thành quả công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; mặt khác tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại và tạo điều kiện cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; có điều kiện để chuẩn bị và tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho ngành y tế Thủ đô, từ nguồn nhân lực, trang thiết bị.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn, ngoài việc thực hiện thông điệp 5K, việc người dân khai báo y tế thường xuyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thực tế vừa qua có những ca ho, sốt không khai báo, khi nhập viện mới phát hiện. Nếu khai báo sớm thì sẽ ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Giải thích về việc chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay Thành phố đã tiêm vắc xin mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế, trạng thái của Thành phố vẫn chưa thể trở lại “bình thường mới”, vì hiện nay tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

Ông Phong nhấn mạnh: “Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được”.

Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, Thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động sau ngày 21/9 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Từ 21/9, Hà Nội không kiểm soát giấy đi đường
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, sau ngày 21/9 sẽ không áp dụng việc phân 3 vùng phòng chống dịch, không áp dụng giấy đi đường cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn thành phố.