Hà Nội: Thực hư chủ nhân mới của “khu đất vàng” số 3 Lương Yên

23/08/2016, 05:47

TCDN - Khu đất vàng bến xe Lương Yên (số 3 Lương Yên) đã từng có quy hoạch xây dựng nhà cao tầng, tuy nhiên Chính phủ đã yêu cầu dừng xây dựng dự án này hồi cuối năm 2012 nhưng chưa có các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án. Mới đây, việc bến xe Lương Yên chính thức đóng cửa một lần nữa dấy lên những thông tin về việc sẽ tiếp tục xây dựng công trình cao tầng tại đây. Chủ nhân mới của khu đất vàng này vẫn là ẩn sổ.


Khu đất Bến xe Lương Yên trước đây do Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên (Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc) sử dụng để sản xuất. Khu đất này đã từng được Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc ký hợp đồng hợp tác với hai nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam và Công ty Cổ phần Xây dựng, bất động sản Việt Minh Hoàng để xây dựng công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại.
Theo Vtc News, Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên (Bến xe Lương Yên) cho thấy chủ đầu tư được xây dựng công trình hỗn hợp gồm các chức năng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê, dịch vụ thương mại, nhà trẻ và gara đỗ xe cao tầng. Dự án có tổng diện tích khoảng 22.304m2, trong đó, khu hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở có diện tích đất là 12.304m2, diện tích xây dựng 5.927m2. Tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 124.335m2, công trình cao 25 tầng (không tính tầng hầm, kỹ thuật và tầng mái). Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 928.768 triệu đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 139.315 triệu đồng, vốn vay, vốn tự huy động hợp pháp khác là 789.453 triệu đồng. Dự án có thời hạn 50 năm từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2012 đến năm 2017. Chủ đầu tư của dự án này là liên doanh giữa 3 công ty: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Công ty Cổ phần và bất động sản Việt Nam, Công ty Cổ phần Xây dựng, Đầu tư Bất động sản Việt Minh Hoàng.
Dự án Tổ hợp công trình tại số 3 Lương Yên do Công ty lương thực cấp I Lương Yên quản lý và sử dụng theo đồng thuê đất 495. Ngày 30/7/2009, Công ty Lương thực cấp 1 Lương Yên có Nghị quyết liên tịch thống nhất để Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc làm chủ đầu tư dự án tại diện tích đất Công ty đang quản lý. Tuy nhiên, ngày 23/11/2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9578/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc triển khai thực hiện Dự án tại số 3 Lương Yên. Trong đó yêu cầu Tổng Công ty Miền Bắc không tiếp tục triển khai thực hiện dự án này.
Về hoạt động của bến xe Lương Yên, bến xe này có cổng nằm trên đường Nguyễn Khoái (vành đai 2), mặt bằng rộng trên 10.000m2, đi vào hoạt động từ tháng 10/2004 với mục tiêu là bến xe tạm giải tỏa áp lực cho các bến xe liên tỉnh tại Hà Nội. Cuối năm 2010, để phục vụ dự án xây dựng tổ hợp nhà cao tầng, Công ty Lương thực Lương Yên đầu tư cả chục tỷ đồng để dịch chuyển bến xe rộng 5.500m2 về phía bắc khu đất.
Tháng 6/2012, Công ty Lương thực cấp I Lương Yên có văn bản gửi Sở Giao thông đề nghị được đóng cửa bến xe Lương Yên từ 1/7/2012. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải kiến nghị UBND thành phố, Sở Giao thông kéo dài hoạt động của bến xe này. Do đó bến Lương Yên tiếp tục được hoạt động cho đến cuối tháng 7/2016. Tại đoạn đường ra vào bến xe, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây ức chế cho người tham gia giao thông. Từ ngày 26/7, các tuyến xe hoạt động đón, trả khách tại bến xe Lương Yên đã phải di dời sang các bến xe khác.
Theo VnExpress, khu vực bến xe Lương Yên được quy hoạch chia thành khu đô thị hỗn hợp (hơn 14.000m2), bãi đỗ xe cao tầng (hơn 5.500m2) và trường học (2.500 m2).
Thực tế, bến xe Lương Yên không phải là trường hợp đầu tiên được TP phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng để xây nhà cao tầng. Trước đó, cuối năm 2009, khi bến xe Yên Nghĩa – được đầu tư hàng trăm tỉ đồng – đi vào hoạt động, toàn bộ xe khách ở bến xe Hà Đông (143 Trần Phú) được chuyển xuống bến xe Yên Nghĩa; Còn diện tích bãi xe rộng hơn 10.000m2 của bến xe Hà Đông được chuyển mục đích sử dụng khi tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã giao Cty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư và thực hiện dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà tại khu đất bến xe Hà Đông với diện tích 11.370m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 140.000m2. Và dư luận đặt câu hỏi, sau bến xe Lương Yên, bến xe Hà Đông sẽ đến bến xe nào nữa bị xóa sổ để xây nhà cao tầng?
Bàn về vấn đề này, Báo Giao thông vận tải cũng đặt ra nhiều câu hỏi cần câu trả lời của các cơ quan chức năng: Sau khi bến xe chuyển đi, cao ốc mọc lên thì áp lực giao thông cho thành phố liệu có giảm? Hay nói cách khác, các bến xe phải di dời chủ yếu vì quá tải, thường gây tắc nghẽn giao thông, vậy thì các tòa nhà cao tầng đang được xây dựng tại đây (chắc chắn sẽ lại thu hút một lượng lớn người và phương tiện) liệu có giúp giao thông được thông thoáng?
Cùng bị “đóng cửa”, ngừng hoạt động, nhưng với bến xe Kim Mã, khi chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ diện tích khu đất được dùng làm tuyến buýt nhanh đầu tiên trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, tình trạng giao thông khu vực xung quanh được cải thiện đáng kể.
Hà Nội còn một số bến xe khách liên tỉnh, nằm cạnh các đường vành đai, trục xuyên tâm của thành phố. Di chuyển các bến xe ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông cho nội đô là việc Sở GTVT sẽ thực hiện trong lộ trình phát triển các bến xe khách đến năm 2020. Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức giao thông cũng đều thống nhất quan điểm rằng việc sớm xây dựng, di chuyển các bến xe ra ngoại thành là hợp lý để giải quyết bài toán giao thông cho thành phố. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng các khu đất bến xe như thế nào sau khi di dời cho hợp lý, đảm bảo quy hoạch kiến trúc lẫn hạ tầng đô thị là điều mà công chúng luôn quan tâm.
Nguồn tin riêng của hoanhap.vn cho biết, khu đất bến xe Lương Yên sẽ được triển khai để xây dự án nhà ở cao tầng. Dự án này do Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc liên doanh, liên kết với Tập đoàn Sungroup triển khai dự án. Trong đó, phía Tổng Công ty góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khu vực bến xe Lương Yên. Hiện nay hai bên đang trong quá trình thương thảo các thủ tục chuyển giao mặt bằng.
Theo hoanhap.vn
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Thực hư chủ nhân mới của “khu đất vàng” số 3 Lương Yên tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận