Hải quan phối hợp các bộ ngành chống gian lận xuất xứ

18/11/2019, 15:42

TCDN - Ngày 28/10/2019, Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành liên quan về chống gian lận xuất xứ, điển hình là vụ việc của Công ty Tập đoàn Asanzo. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì buổi họp.

12-1

Asanzo có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố

Tại cuộc họp, những dấu hiệu vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa của Asanzo đã được đưa ra phân tích. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, qua công tác điều tra, thẩm tra, xác minh, thanh tra… việc Asanzo nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp ti vi (TV) và gắn nhãn hiệu Asanzo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (621 chiếc) và tiêu thụ tại thị trường nội địa là có dấu hiệu giả mạo xuất xứ (C/O).

Lý do, mặt hàng TV Asanzo xuất khẩu có giá trị gia công sản xuất, lắp ráp trong nước rất thấp, chỉ đạt khoảng từ 1-2%, khoảng 98% giá trị thành phẩm còn lại là xuất xứ nhập khẩu, không đáp ứng được tiêu chí tối thiểu theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ qui định về vấn đề này. Kiểm tra thực tế cho thấy, Asanzo chỉ thực hiện một số thao tác lắp ráp thủ công vài công đoạn hoàn thiện sản phẩm rồi ghi, dán nhãn mác xuất xứ Việt Nam, không có dây chuyền công nghệ đúng nghĩa.

Ngoài dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa, cơ quan thuế cho biết, Asanzo còn có dấu hiệu trốn thuế như: Để ngoài sổ sách kế toán không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) nhằm trốn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế VAT. Asanzo mua linh kiện điều hòa nhiệt độ là đối tượng chịu thuế TTĐB, nhưng lại kê khai là điều hòa thành phẩm loại 90.000 BTU trở xuống để trốn thuế TTĐB; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ, nhưng thực tế lại là linh kiện; ghi hóa đơn đầu vào cao hơn giá bán giao dịch trên thực tế để trốn thuế...

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc cấp giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho tập đoàn Asanzo, là trách nhiệm của Hội doanh nghiệp chất lượng cao TP.HCM.

Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương. Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam.

Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa “made in Vietnam”.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI cho biết, VCCI chưa tiếp nhận được hồ sơ khai báo tư nhân của tập đoàn Asanzo, tức Asanzo chưa đến VCCI để đăng ký. VCCI chưa có thông tin và chưa cấp C/O cho Asanzo xuất hàng đi nước ngoài.

“Sau khi báo chí đưa tin, Asanzo đã gửi văn bản đến VCCI. Chúng tôi có thành lập nhóm công tác làm việc với Asanzo nhằm trao đổi thông tin. Phía Asanzo đưa ra quan điểm về vấn đề này, tuy nhiên thực tế, VCCI chưa tiếp xúc với bộ hồ sơ của công ty này”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, con số hàm lượng giá trị gia tăng 98% nhập khẩu, 2% sản xuất trong nước mà Tổng cục Hải quan đưa ra cần được làm rõ là của tất cả sản phẩm hay chỉ một số mặt hàng cụ thể. Nếu áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, sản phẩm với hàm lượng giá trị gia tăng như trên không vượt qua công đoạn gia công đơn giản. Cụ thể với một chiếc TV, sản phẩm này không được xét thành hàng “made in Vietnam”. Còn với hàng sản xuất, lưu thông tại Việt Nam thì chưa có quy định cụ thể.

Ông Lại Anh Tuấn, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, hiện Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Hiện tại doanh nghiệp này chỉ có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.

“Chưa đủ căn cứ xác định các công ty có phạm tội hay không. Vấn đề này phải có cơ quan điều tra vào cuộc để có kết quả thấu đáo. Ngay cả ý kiến nói các công ty trong Asanzo khai báo mua bán rất nhiều hàng hóa, nhưng có khi việc khai báo chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh, việc mua bán chưa chắc đã nhiều. Việc khai báo đó cũng cần cơ quan điều tra”, ông Lại Anh Tuấn nói.

Ngăn chặn thành công nhiều vụ giả mạo xuất xứ lớn

Ngoài việc phối hợp với các bộ ngành xác định vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa của Asanzo, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, Hải quan đã chủ động kiểm tra, xác định và đã ngăn chặn thành công vụ việc lớn có dấu hiệu giả mạo xuất xứ mặt hàng nhôm xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do chênh lệch thuế suất giữa nhôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với nhôm của Trung Quốc là rất lớn (nhôm Việt Nam chỉ chịu thuế 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc vào Mỹ thuế suất lên đến 374%), một số doanh nghiệp ở Vũng Tàu từ năm 2017 - 2019 đã nhập khẩu gần 3 tỷ USD mặt hàng nhôm về và có dấu hiệu gian lận xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan Mỹ cùng các cơ quan chức năng trong nước ngăn chặn. Hiện vẫn đang có khoảng gần 1,8 triệu tấn nhôm nhập khẩu có dấu hiệu gian lận xuất xứ nhưng không thể xuất được do cơ quan chức năng tạm giữ. Phía Mỹ cho biết, kể cả dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi… đưa vào nấu xong rồi lại cán ra thành phẩm cũng không đủ tiêu chuẩn về ưu đãi xuất xứ (C/O) vào Mỹ.

Ngoài ra, hiện tại một số chi cục hải quan cũng đang tạm giữ khoảng 10 container sản phẩm xe đạp xuất khẩu gian lận xuất xứ Việt Nam (đã được cấp chứng nhận C/O fromB...). Qua kiểm tra tại chỗ và hồ sơ, kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, gần như 100% là xe đạo nguyên chiếc nhập khẩu từ nước ngoài, sau đó dán nhãn mác Việt Nam. Tại Hải Phòng, cơ quan hải quan cũng đang tạm giữ hàng trăm container máy móc, thiết bị nhập khẩu về lắp ráp đơn giản xong ghi nhãn mác, bao bì xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan cũng đang tiếp tục mở rộng điều tra và sắp đưa ra kết luận đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ ván ép kê khai xuất xứ Việt Nam, nhưng khi xác minh hồ sơ khai báo là gian dối. Doanh nghiệp khai mua gỗ của các đơn vị, cá nhân có xác nhận của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương… hẳn hỏi và nộp hồ sơ để xin C/O xuất khẩu, nhưng khi cơ quan hải quan đi xác minh thực tế thì hồ sơ của doanh nghiệp đều là gian dối, khai man.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, thông tin, quan điểm và những nội dung được đề cập tại cuộc họp này sẽ được Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý thích hợp. Tổng cục Hải quan cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp với hải quan trong việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về gian lận xuất xứ hàng hóa.

Phương Linh

Tạp chí in số tháng 11/2019
Bạn đang đọc bài viết Hải quan phối hợp các bộ ngành chống gian lận xuất xứ tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá trị gia tăng tạo ra chỉ chiếm 1-2%, Asanzo lừa dối người tiêu dùng
Hải quan đánh giá Asanzo chủ yếu lắp ráp thủ công, hàm lượng giá trị gia tăng chỉ 1-2%. Như vậy, mặt hàng xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.