Hoàn thiện chính sách thuế hỗ trợ ngành ô tô phát triển

18/11/2019, 09:17

TCDN - Ưu đãi từ các chính sách thuế được xem là một trong những biện pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tuy nhiên, các ưu đãi này vẫn không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam.

10-1

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô là 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực hiện nay. Số liệu từ Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015 - 2018, đạt 250.000 xe vào năm 2018.

Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018. Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, nguyên nhân chính ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển được là do chính sách. Trong đó, chính sách thuế, tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô hiện đang tồn tại 3 vấn đề khiến các biện pháp ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thứ nhất, sự thay đổi nhanh và nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là các chính sách thuế đối với linh kiện. Thứ hai, sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương, chính sách. Thứ ba, khi thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm thuế quan, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại xuống 0%.

Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC. Theo đó thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất lắp ráp ô tô; dự án sản xuất lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô tại các địa bàn ưu đãi đầu tư được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm; Miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động: múc ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tuy nhiên, ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cho thấy không nhất thiết phải ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp lớn như hiện nay. Bởi khi doanh nghiệp hoạt động có lãi, việc chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng là hợp lý. Còn khi doanh nghiệp hoạt động chưa có lãi thì ưu đãi này cũng không có ý nghĩa cho việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ưu đãi này có thể là kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng, khi hết hạn ưu đãi hó có thể chuyển sang địa điểm khác hoặc mở dự án mới để được hưởng giai đoạn ưu đãi mới.

Đối với chính sách thuế nhập khẩu, trong một số ngành công nghiệp hiện nay thuế nhập khẩu vật tư, linh kiện cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, do đó đã không khuyến khích được các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam vì phải chịu chi phí sản xuất cao hơn so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.

Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó, để được miễn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp phải trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu. Quy định này khiến doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp khác để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, việc xuất khẩu một sản phẩm cần có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất, do đó hầu hết tất cả các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể đáp ứng điều kiện trực tiếp xuất khẩu. Việc không được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu làm tăng giá thành hàng hóa xuất khẩu, giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Để khuyến khích ngành công nghiệp ô tô phát triển, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách (VAMA) cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất; thuế xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu.

Đối với quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển tiếp ưu đãi thuế; trong đó có chuyển tiếp ưu đãi thuế đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015 theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình nhấn mạnh, bên cạnh ban hành các chính sách mới, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính. Các chính sách này nên hướng đến khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường dựa trên các quy định cụ thể về dung tích động cơ, lượn phát thải và các tiêu chuẩn an toàn...

Đặc biệt, cần sửa đổi các chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện.

Thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm lịnh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; giảm thuế đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.

Phát triển phụ tùng, cần tập trung chính sách tài chính nhằm phát triển cụm phụ tùng linh kiện hoặc khu công nghiệp ô tô theo chuỗi giá trị.

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất, về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào trị giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt; điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý; không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện, thân thiện với môi trường.

Đối với thuế VAT, cho phép hoàn thuế VAT trong vòng 03 tháng đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế cao nhất đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.

Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.

Thu Hương

Tạp chí in số tháng 11/2019
Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách thuế hỗ trợ ngành ô tô phát triển tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

FAC cập nhật chính sách thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp
Ngày 8/11/2019, tại TP. Huế, Công ty TNHH Tư vấn Tài Chính và Kế toán FAC phối hợp với Trung tâm thông tin kinh tế - VCCI tổ chức khóa đào tạo “Cập nhật chính sách thuế và Chế độ kế toán mới nhằm nâng cao năng lực quản trị cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng cho doanh nghiệp”.
VTCA cập nhật chính sách thuế năm 2019 cho doanh nghiệp
Ngày 26/9, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức lớp: “Cập nhật chính sách Thuế năm 2019 và Giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện” tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 120 hội viên, lãnh đạo doanh nghiệp; giám đốc tài chính; phụ trách kế toán, kế toán thuế các doanh nghiệp.