Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản: Tiếp thu phản hồi để phát huy hiệu quả chính sách thuế, hải quan

04/10/2019, 20:18

TCDN - Ngày 4/10 tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan. 

dsc_0749a

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, để  giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai hải quan cho doanh nghiệp, người nộp thuế, người khai hải quan; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan. Nhờ đó, kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của ngành Thuế, ngành Hải quan luôn thuộc nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân thủ thấp nhất, được cộng đồng doamh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sôi động, đa dạng đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.  Chính vì vậy, trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc.

 “Để các chính sách thuế và hải quan thực sự phát huy hiệu quả, về phía Bộ Tài chính - cơ quan quản lý nhà nước về thuế và hải quan - chúng tôi mong muốn lắng nghe, ghi nhận phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Qua đó, tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất, góp phần khuyến khích đầu tư, tăng cường xuất khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai bày tỏ.

dsc_0720a

Bên cạnh cập nhật các chính sách thuế, hải quan mới, các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản được đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trả lời thấu đáo.

Liên quan đến ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo Luật số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và các văn bản hướng dẫn, đối với các dự án trước ngày 1/1/2015 không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhận định, theo quy định của Luật 71 thì chưa có quy định chuyển tiếp đối với doanh nghiệp thành lập trước thời điểm 1/1/2015, do đó, đề nghị của doanh nghiệp là hợp lý. Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi chính sách, nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được thành lập trước và sau thời điểm 1/1/2015. 

Gỡ vướng cho doanh nghiệp về quy định tại Điều 27 và Điều 42 về kê khai, nộp thuế của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động cung cấp thương mại điện tử tại Việt Nam theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, doanh nghiệp e ngại bị đánh thuế trùng, Tổng cục Thuế cho biết, Việt Nam - Nhật Bản có quy định loại trừ, nếu có phát sinh thuế tại Việt Nam thì khi về nước, doanh nghiệp sẽ được loại trừ theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 của hiệp định tránh đánh thuế hai lần.

Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó có quy định cụ thể về vấn đề này, đảm bảo một khoản thu nhập sẽ không bị đánh thuế trùng. Liên quan đến giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20 về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2019.

Tổng cục Thuế mong muốn lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo, đảm bảo quy định đi vào thực tiễn có hiệu quả. Tại hội nghị, nhiều kiến nghị, vướng mắc khác của doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế và hải quan đã được đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giải đáp thoả đáng. 

Nhật Bản đứng thứ hai trong tổng số 132 quốc gia đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 58 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng, môi trường đều là những dự án trọng điểm quốc gia, qua đó góp phần làm thay đổi bộ mặt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương. 

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản: Tiếp thu phản hồi để phát huy hiệu quả chính sách thuế, hải quan tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chiến thuật né thuế của Google
Là đại gia có tiếng trong làng công nghệ nổi bật với khả năng kiếm tiềm, Google - cỗ máy tìm kiếm hàng đầu thế giới - lại liên tục phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội vì trốn thuế.