Hàng hóa trên Shopee, Lazada, Tiki... có thể bị kiểm tra chất lượng

23/09/2022, 06:47
báo nói -

TCDN - Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh, buôn bán nói chung. Do vậy, cần thiết phải các bổ sung quy định nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki...

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Theo dự thảo, phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phân loại kiểm tra hàng năm theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất.

Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm sẽ được người có thẩm quyền phê duyệt và việc kiểm tra theo kế hoạch này không cần báo trước cho chủ sở hữu hàng hóa.

Đối với hoạt động kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa trên thị trường, căn cứ để quyết định kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường sẽ theo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Có khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa; Thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về hàng hóa không bảo đảm chất lượng có nguy cơ đe dọa an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; hoặc dựa vào kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng.

Hàng hóa lưu thông trên thị trường thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki...cũng sẽ bị kiểm tra về chất lượng sản phẩm.

Hàng hóa lưu thông trên thị trường thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki...cũng sẽ bị kiểm tra về chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa. Một trong những nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa là thông tin về hàng hóa: Kiểm tra nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy thể hiện trên hàng hóa; kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá theo quy định pháp luật; các thông tin khác liên quan đến chất lượng thể hiện trên hàng hoá.

Về chất lượng, kiểm tra điều kiện bảo quản hàng hóa theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc trên nhãn hàng hóa; kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tài liệu kèm theo; kiểm tra các nội dung khác liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định.

Đối với hàng hoá kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, ngoài kiểm tra theo quy định, người có thẩm quyền kiểm tra tiến hành kiểm tra so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hoá được kiểm tra.

Cơ quan quản lý cho rằng vấn đề nổi cộm nhất trong tình hình dịch bệnh vừa qua là xu thế áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỷ trọng lớn trong việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa nói chung.

"Đáng chú ý, việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa/lưu hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng. Vì vậy, việc kiểm tra chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, đối với hàng hóa được kinh doanh, bán hàng theo hình thức thương mại điện tử cũng cần được xem xét, nghiên cứu, bổ sung các quy định, chế tài để triển khai", Bộ này nhấn mạnh.

Do đó, dự thảo thông tư đã bổ sung quy định hàng hóa lưu thông trên thị trường "bao gồm cả hàng hoá trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử". Đồng thời, ngoài kiểm tra theo quy định, người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra so sánh tính thống nhất của các thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hóa được kiểm tra.

Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á của hãng nghiên cứu Statista, Việt Nam dự kiến sở hữu thị trường mua sắm trực tuyến lớn thứ 2 tại Đông Nam Á trước năm 2025. Trong đó, sàn thương mại điện tử vẫn đang là kênh chiếm ưu thế trong số các hình thức mua hàng qua mạng, thể hiện qua lượt truy cập cũng như khối lượng giao dịch được thực hiện.

Cụ thể, một báo cáo về thị trường Internet tháng 2/2022 cho thấy, tổng số lượt truy cập trên Shopee là 78,5 triệu lượt, trên Lazada là 14,8 triệu lượt, Tiki hơn 14 triệu lượt. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cũng dần mở rộng hoạt động TMĐT và giao dịch trực tuyến. Điển hình như Facebook, Google, Youtube, TikTok… cho phép hiển thị quảng cáo mua bán hàng hoá, sản phẩm, có thể thực hiện mua bán qua liên kết với các sàn TMĐT, hoặc tích hợp trực tiếp việc đăng bán, mua sản phẩm trên các nền tảng này.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Hàng hóa trên Shopee, Lazada, Tiki... có thể bị kiểm tra chất lượng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan