Hàng hóa xuất khẩu bị đình trệ tại cửa khẩu, doanh nghiệp có bị phạt vi phạm hành chính?
TCDN - Tổng cục Hải quan đề nghị cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét không xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với các trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu bị đình trệ tại cửa khẩu.
Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố xem xét không xử phạt vi phạm hành chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải căn cứ vào các quy định tại Điều 2, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP và hồ sơ vụ việc cụ thể. Đặc biệt, yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải chứng minh đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không ngăn được hành vi vi phạm xảy ra. Từ đó, mới có cơ sở xem xét quyết định việc không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: tình thế cấp thiết; phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ; sự kiện bất khả kháng; người thực hiện hành vi trái pháp luật không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi trái pháp luật chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích một số tình huống không xử phạt như: tình thế cấp thiết; phòng vệ chính đáng; sự kiện bất ngờ; sự kiện bất khả kháng; người không có năng lực trách nhiệm hành chính.
Điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016) quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, có dẫn chiếu đến các trường hợp không xử phạt theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trước đó, Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn về việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899