Hàng nghìn tàu cá tại Việt Nam dính nguy cơ "mắc cạn"

07/05/2020, 13:28

TCDN - Tổng cục Thủy sản cho biết, khoảng 10.000 tàu cá dài 15-24 mét chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) theo quy định, có nguy cơ phải tạm nằm bờ.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT, cho biết, theo Luật Thủy sản, tàu cá đánh bắt xa bờ (dài 15 mét trở lên) phải lắp đặt thiết bị GSHT.

Cụ thể, theo Nghị định 26/2019, tàu dài 24 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị GSHT trước 1/7/2019; tàu dài 15-24 mét phải lắp trước 1/1/2020 với nghề câu, lưới kéo, hoặc trước 1/4/2020 với các nghề cá khác.

Hàng nghìn tàu cá có nguy cơ tạm nằm bờ do chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ảnh minh họa.

Hàng nghìn tàu cá có nguy cơ tạm nằm bờ do chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ảnh minh họa.

Bộ NN&PTNT đã thành lập Trung tâm Giám sát tàu cá Trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản để theo dõi, kiểm soát toàn bộ tàu số tàu đã được lắp đặt thiết bị GSHT, đồng thời phân quyền quản lý cho 28 địa phương theo dõi số tàu cá của mình.

Hiện cả nước có khoảng 2.600 tàu dài 24 mét trở lên; những tàu đang hoạt động đã hoàn thiện lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, với tàu cá 15-24 mét, mới chỉ 18.000/28.000 tàu được lắp đặt. Đến nay, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… đạt tỷ lệ lắp đặt 90% trở lên. Trong khi đó, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định, Trà Vinh, Bạc Liêu… mới ở mức 20-30%.

Một bộ thiết bị GSHT có giá 20-25 triệu đồng/bộ, phí dịch vụ vệ tinh khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng/tháng. Việc lắp đặt một phần do nhiều chủ tàu chưa ý thức tuân thủ các quy định, một bộ phận chủ tàu do khai thác khó khăn nên chưa có kinh phí triển khai.

Nhiều địa phương đã tạm dừng việc cho phép tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT ra khơi, nên hàng nghìn tàu cá có nguy cơ phải tạm nằm bờ. Ngoài ra, có tình trạng tàu cá đã lắp thiết bị, nhưng khi khai thác trên biển lại tắt thiết bị, ngắt kết nối.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, theo quy định hiện hành, việc chủ tàu không tuân thủ sẽ bị phạt rất nặng. Tàu cá dài 24 mét trở lên không lắp thiết bị khi khai thác trên biển sẽ bị phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng; với tàu 15-24 mét, mức phạt là 300-500 triệu đồng, thậm chí 500-700 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần. Tàu 24 mét trở lên đã lắp đặt nhưng không bật hoặc vô hiệu hóa thiết bị trong quá trình khai thác sẽ bị phạt 300-500 triệu đồng.

Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân sớm lắp đặt thiết bị GSHT để tất cả các tàu cá đều được hoạt động bình thường, tránh tình trạng “mắc cạn” kéo dài.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Hàng nghìn tàu cá tại Việt Nam dính nguy cơ "mắc cạn" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Khi doanh nghiệp bảo hiểm 'sợ' bán dịch vụ cho các tàu cá
4 công ty bảo hiểm đã bảo hiểm cho gần 42.000 lượt tàu cá và hơn 430.000 lượt thuyền viên, tuy nhiên số tiền thu về thấp trong khi số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường thì quá cao khiến các công ty bảo hiểm quan ngại trong việc bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.