Hanoisme: Kiến nghị đồng loạt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế đất
TCDN - Xác định nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ có thể duy trì nhịp độ đến hết quý I năm 2020. Thay mặt Hanoisme, ông Mạc Quốc Anh cũng kiến nghị Chính phủ hoãn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15% đến 17%. Giảm thuế 50% thuế VAT, thuế đất đến hết quý II/2020.
Nội dung này được ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) đưa ra tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Hà Nội với Đảng bội khối doanh nghiệp Hà Nội.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh cho biết, đơn vị đã thực hiện cuộc khảo sát nhanh và tổng hợp tình hình ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, ngành du lịch, dịch vụ Thủ đô ảnh hưởng nhiều nhất bởi 03 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 40% lượng khách du lịch đến Hà Nội.
Đối với ngành Sản xuất công nghiệp trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng trực tiếp khi 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu phụ thuộc vào 3 thị trường này Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Do đó sản xuất công nghiệp khả năng sẽ không có tăng trưởng.
Nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào là hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia đang là trung tâm dịch virus Corona lớn nhất trên thế giới. Ông Quốc Anh lấy ví dụ ngành hàng đồ gia dụng, Công ty CP Sunhouse bị ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, trước khi có dịch mỗi tháng 2 container, thời điểm này không hoàn thiện được sản phẩm để xuất khẩu vì thiếu linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu.
Còn nhóm ngành máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải, thống kê của Hanoisme cho thấy, các mặt hàng công nghiệp phục vụ sản xuất cho các ngành này có nguồn nhập khẩu 25% từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc. Ước tính suy giảm của ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp cho biết, nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ có thể duy trì nhịp độ đến hết quý I năm 2020. Sau thời điểm này không có nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ phải dừng hoặc giảm quy mô hoạt động.
Đối với việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế, vị lãnh đạo của Hanoisme cho rằng có những khó khăn nhất định như 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nhà cung cấp, nên doanh nghiệp Việt Nam không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt. Trong trường hợp các doanh nghiệp có thể chủ động những nơi cung ứng nguyên liệu mới như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh,… thì giá thành cao hơn đầu tư vào từ Trung Quốc và mất thời gian đàm phán để bù đắp nguyên liệu, sức cạnh tranh sẽ không còn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme đề xuất TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các cụm Công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời hạn chế, giảm tần suất, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến các doanh nghiệp trừ các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, lãnh đạo Hanoisme kiến nghị TP tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đẩy mạnh nhu cầu mua sản phẩm. Giảm tiền thuê mặt bằng (giá thuê đất hàng năm giảm 50% cho 6 tháng đầu năm 2020), tiền điện, tiền nước, các loại phí, lệ phí khác liên quan đến doanh nghiệp. Cung cấp thông tin thị trường, dự báo kịp thời.
Thay mặt Hanoisme, ông Mạc Quốc Anh cũng kiến nghị Chính phủ hoãn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15% đến 17%. Giảm thuế 50% thuế VAT, thuế đất đến hết quý II/2020. Giãn thời gian trả nợ ngân hàng, khoanh nợ…
Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoản nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay. Giảm, giãn, hoãn đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động.
Lùi thời gian nộp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu từ 120 ngày đến 180 ngày (thay vì hiện nay là nộp luôn). Tăng cường hỗ trợ nhanh các thủ tục thông quan hàng hóa đối với hàng xuất, hàng nhập.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899