Tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam

25/03/2020, 10:38

TCDN - Khởi nghiệp đã và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng gắn liền với sự hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tạo ra hàng ngàn việc làm mới cũng như các loại hình kinh doanh mới.

Khởi nghiệp đã và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng gắn liền với sự hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tạo ra hàng ngàn việc làm mới cũng như các loại hình kinh doanh mới. Hoạt động khởi nghiệp đã và đang trở thành một làn sóng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ ở Việt Nam. Bài viết trình bày các kênh tài trợ vốn và nguồn tài chính tiềm năng của các công ty khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các đầu tư tài trợ vốn ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề còn ít và chưa được quan tâm đúng mức. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về các nguồn tài trợ vốn ở từng giai đoạn khởi nghiệp. Do đó, nghiên cứu này có thể đóng góp cho sự hiểu biết tốt hơn về chiến lược tài chính của các dự án kinh doanh khởi nghiệp.

7-1

1. Đặt vấn đề

Các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN - Start-up companies) là những công ty mới thành lập hoặc các dự án đầu tư khởi nghiệp đang trong giai đoạn phát triển và nghiên cứu thị trường. Các doanh nghiệp này thông thường, nhưng không nhất thiết, liên quan đến các dự án công nghệ vì sản phẩm của DNKN chủ yếu là phần mềm. Ngoài ra, bản chất các dự án định hướng công nghệ thường là các dự án có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất. Một sự thật thú vị được thể hiện trong nhiều nghiên cứu, đó là các DNKN định hướng công nghệ thường được đặt tại các trung tâm đô thị lớn (Baptista, Mendonca, 2009). Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hơn các DNKN trong các ngành công nghiệp và kinh doanh truyền thống. Ở cấp độ quốc tế, ngày càng có nhiều các nghiên cứu liên quan đến tầm quan trọng và cách thức tài trợ cho các dự án kinh doanh khởi nghiệp (chính thức và phi chính thức), đặc biệt là trong thời kỳ toàn cầu hóa mạnh mẽ. Một nghiên cứu của Korostelevae và Mickiewicz (2010) đã chứng minh rằng tự do hóa tài chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tài chính tổng thể vào khởi nghiệp, sử dụng nguồn tài trợ bên trong cũng như bên ngoài. Dữ liệu từ nghiên cứu của GEM (Global Entrepreneurship Monitor) tại 54 quốc gia trong giai đoạn năm 2001 đến 2010 cho thấy tổng đầu tư vào các DNKN phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của từng quốc gia đó. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng khi GDP bình quân đầu người tăng sẽ tạo ra nhiều cơ hội tài trợ vốn cho việc đầu tư vào các hoạt động khởi nghiệp.

Việc nghiên cứu các hoạt động tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn là một chủ đề nóng và gây ra nhiều tranh luận giữa các nhà kinh tế và các nhà quản trị. Các nội dung xoay quanh vấn đề quyết định cơ cấu vốn của DNKN đã thu hút nhiều sự chú ý không chỉ giới học thuật mà còn của giới truyền thông. Đối với mọi doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là đối tượng DNKN, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề đặt ra đối với các nhà quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp là làm thế nào để huy động vốn tối ưu, thu hút các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận tối đa và đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.

Mục đích của bài viết này là phân tích thực trạng các nguồn tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam; Từ đó đề xuất một số các khuyến nghị và hàm ý chính sách nhằm gia tăng nguồn lực tài chính tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Nghiên cứu này sẽ hữu ích cho sự đánh giá và gợi ý về hướng phát triển hệ thống tài chính tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Hơn nữa, với sự nhấn mạnh vào các lựa chọn thay thế có thể, các công ty khởi nghiệp có thể áp dụng để đảm bảo khả năng tài chính suôn sẻ trong những thời điểm quan trọng.

2. Thực trạng tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam của GEM qua các năm cho thấy, trong 12 chỉ số, chỉ số tài chính cho kinh doanh là chỉ số đạt điểm số khá thấp. Năm 2017, chỉ số này của Việt Nam đạt 2,27/5 - chỉ số thấp thứ 4. Tuy nhiên, chỉ số này đã được cải thiện nhiều so với năm 2015. Năm 2015, chỉ số tài chính cho kinh doanh của Việt Nam đạt 2,12/5 điểm, là chỉ số thấp thứ hai, chỉ cao hơn chỉ số về giáo dục kinh doanh ở bậc phổ thông. Cụ thể hơn, về đầu tư mạo hiểm, theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường, DN khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) hiện có khoảng 40 Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 30% so với năm 2016 (Văn phòng Đề án 844). Các quỹ ngoại điển hình là IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube. Bên cạnh đó, trong hai năm 2016, 2017, nhiều Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa cũng được thành lập và tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm như SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam…

Vốn từ các nhà đầu tư thiên thần khá hạn chế trong những năm trước do nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư DNKN là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, trong năm 2017, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận số lượng đáng kể nhà đầu tư thiên thần nội. Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp. Một số điển hình có thể kể đến như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel Vietnam hay Angel4us.

Chương trình Shark Tank- Thương vụ bạc tỷ cũng chốt được 22 vụ đầu tư vào các startup giai đoạn đầu với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, số lượng thương vụ khởi nghiệp được đầu tư tăng lên đáng kể qua các năm. Năm 2017, có 92 thương vụ nhận được đầu tư với tổng vốn 291 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng). Trong đó, các nhà đầu tư thiên thần và các Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa đóng góp 49 thương vụ, tương đương với 46 triệu USD.

Mô hình Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh đã được chứng minh tính khả thi và mức độ hiệu quả tại Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ và tổng hợp từ nhiều nguồn của Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ, năm 2017, Việt Nam có khoảng 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 30 cơ sở ươm tạo, tăng thêm 6 vườn ươm so với năm 2016. Các tổ chức phát thúc đẩy kinh doanh như Vietnam Silcon Valley Accelerator, Viettel Accelerator, Microsoft Class Expara, VIISA… và mới đây là Lotte Accelerator, Hebronstar đang tích cực hoạt động mặc dù mới chỉ ở giai đoạn ban đầu.

Trong số 30 vườn ươm hiện nay có 10 vườn ươm trực thuộc các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp; 7 vườn ươm thuộc các trường đại học và 13 vườn ươm còn lại do các tổ chức tư nhân hoặc nước ngoài thành lập, một số tên tuổi tiêu biểu như: Vườn ươm DN công nghệ cao Hoà Lạc; Vườn ươm DN công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp… Các vườn ươm DN cũng đang trong quá trình nghiên cứu để chuyển dịch mô hình sang thành tổ chức Thúc đẩy DN (Văn phòng Đề án 844).

Các chuyên gia cho rằng, hiện ở Việt Nam đang xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư của doanh nghiệp lớn với các hoạt động bắt đầu có tính hệ thống thông qua việc hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư khởi nghiệp. Ðiều này chứng tỏ, Việt Nam đang có sức hút đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các nhà đầu tư bởi sự ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển. Nhưng quá trình thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, môi trường để các DNKN phát triển còn nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm... đang tạo thành rào cản khiến các nhà đầu tư e ngại và khiến các DNKN mất đi cơ hội. Chuyên gia Huy Phạm (Vietnam Silicon Valley - VSV) cho rằng, cùng với việc thoái vốn và thu được lợi nhuận thì vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm là cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư thiên thần, quỹ mạo hiểm tại Việt Nam. Ðây là những vấn đề chưa rõ ràng và cũng còn thiếu các khung pháp lý. Ðáng chú ý là việc quản lý ngoại hối chặt chẽ đã gây ra khó khăn trong tiếp nhận vốn đầu tư và thoái vốn. Bên cạnh đó, các DNKN Việt Nam thường gặp khó khăn khi giao tiếp tiếng Anh, cho nên cũng không dễ dàng khi tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Ðây cũng là nguyên nhân nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư sau khi tiếp cận DNKN đều đặt vấn đề đưa doanh nghiệp sang nước ngoài để phát triển.

3. Một số đề xuất, khuyến nghị 

Để giúp DN khởi nghiệp tháo gỡ được những khó khăn trong huy động nguồn vốn phát triển, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

Về phía Nhà nước:

- Cần tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm các thủ tục pháp lý để xây dựng một thị trường vốn dành cho các DN khởi nghiệp. Ý tưởng xây dựng một thị trường chứng khoán chuyên dành cho các DN khởi nghiệp theo mô hình KONEX (Hàn Quốc) là ý tưởng hữu hiệu giúp các DN khởi nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn với những tiêu chuẩn ở mức thấp hơn, tách bạch với niêm yết, thị trường linh hoạt hơn, có lợi cho cả DN và NĐT.

- Việc thành lập các tổ chức tài chính nhà nước theo mô hình Quỹ mẹ của Hàn Quốc với số vốn ban đầu từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ đối tượng khởi nghiệp theo lĩnh vực ưu tiên là cần thiết, qua đó sẽ tạo “vốn mồi” để thu hút và tranh thủ sự đầu tư của các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước (Quỹ con).

- Nhà nước có thể hỗ trợ gián tiếp cho DN khởi nghiệp thông qua các hình thức như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, thực hiện các chính sách khuyến khích như giảm lãi suất, miễn giảm thuế... Hiện nay, mức thuế suất thu nhập DN áp dụng ở Việt Nam là 20%. Ở Thái Lan là 15% và ở Indonesia là 12,5%. Ngoài ra, Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các DN khởi nghiệp trong những năm đầu theo các điều kiện đi kèm; Thúc đẩy các DN khởi nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia vào các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị nhằm tăng giá trị của DN khi huy động vốn.

- Trên cơ sở môi trường kinh doanh đầu tư cho DN khởi nghiệp được mở rộng, Nhà nước cần hoàn chỉnh hệ sinh thái hỗ trợ xung quanh hoạt động của DN khởi nghiệp. Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nên đứng dưới góc độ định hướng, Nhà nước không trực tiếp can thiệp mà đóng vai trò là “trọng tài” để DN khởi nghiệp và hệ sinh thái hỗ trợ tự bổ sung và liên kết với nhau.

Về phía nhà đầu tư:

- Cần xây dựng chiến lược đầu tư, minh bạch phần vốn góp để phân chia hiệu quả quyền sở hữu công ty; Tham vấn các ý kiến của chuyên gia để giảm thiểu rủi ro và tránh những chi phí phát sinh ngoài dự toán; Đồng thời, tương ứng với phần trăm sở hữu DN, NĐT cần yêu cầu các DN khởi nghiệp cam kết mức lợi nhuận kỳ vọng theo từng giai đoạn cụ thể.

- Cần đa dạng hóa các danh mục đầu tư, không nên tập trung vốn đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể, NĐT cần xác định rõ thời gian đầu tư cho từng danh mục. Điều này sẽ giúp các NĐT có thể chủ động trước những biến động khách quan của thị trường, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm.

- Các NĐT cần có chiến lược đầu tư phù hợp theo các giai đoạn phát triển của DN khởi nghiệp; thực hiện thoái vốn một cách linh hoạt để tránh gây tổn thất cho DN, ảnh hưởng đến phần vốn góp của các NĐT khác trong DN.

Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp:

- Để huy động vốn thành công, bản thân người làm công tác quản trị trong DN khởi nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ càng ngay từ khâu đầu tiên. Thực tế, nếu chuẩn bị kỹ càng và có hệ thống sẽ giúp DN khởi nghiệp nắm bắt được các cơ hội huy động vốn. Các NĐT chỉ đầu tư vào DN khởi nghiệp nếu họ thấy được tiềm năng phát triển.

- DN khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong vòng 3-5 năm cũng như có kế hoạch tài chính rõ ràng để hỗ trợ kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế hoạch cần cụ thể, thực tế không đầu tư dàn trải. Hệ thống sổ sách kế toán của DN phải đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng khi NĐT tìm hiểu sâu về DN… DN cần hiểu rõ bài toán thị trường trong khi huy động vốn bởi các NĐT, quỹ mạo hiểm luôn tìm kiếm những DN có tiềm năng phát triển và các sản phẩm của DN phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, sản phẩm, ý tưởng kinh doanh, DN khởi nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính, dự báo dòng tiền, định giá DN. Kế hoạch tài chính phải có sức thuyết phục để chứng minh được cơ sở của các giả định có trong mô hình. Kế hoạch này phải xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau. Bởi vì, kế hoạch tài chính tốt sẽ là cơ sở để định giá DN dựa trên các phương pháp định giá hợp lý.

- Sau khi DN khởi nghiệp gọi vốn thành công từ các NĐT, cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật của NĐT như định vị chiến lược, kiến thức tài chính, cơ hội mở rộng thị trường… Tuy nhiên, DN khởi nghiệp cần bảo vệ quan điểm của mình để tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào NĐT, dẫn đến bị thâu tóm. Trong quá trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, DN khởi nghiệp cần từng bước lên kế hoạch gọi vốn vòng 2. Trường hợp mức lợi nhuận kỳ vọng khó đạt được để chia cho NĐT theo thỏa thuận ban đầu, DN khởi nghiệp cần có thương lượng và trao đổi với NĐT để thống nhất phương án điều chỉnh kịp thời.

4. Kết luận

Tóm lại, việc huy động được nguồn vốn đủ lớn và phù hợp để đảm bảo cho hoạt động phát triển đối với từng DNKN luôn là một bài toán khó khăn và nan giải. Bài viết này phân tích các nguồn tài chính sẵn có khác nhau mà các DNKN có thể quyết định lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện hoàn cảnh của từng doanh nghiệp. Thông qua việc tổng quan các nghiên cứu về lựa chọn nguồn tài trợ vốn của các DNKN ở các Quốc gia trên thế giới, bài viết đã đưa ra một số các giải pháp khuyến nghị có thể áp dụng để nâng cao chất lượng huy động vốn của các DNKN ở Việt Nam. Việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp, chú trọng tới việc thu hút các nhà đầu tư “thiên thần” và các Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ DNKN ở giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam. Về phía các DNKN, các nhà sáng lập cũng cần trang bị tốt hơn kiến thức về tài chính và huy động vốn để có thể tiếp cận và kêu gọi vốn đầu tư thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đặng Việt Đức (2018), “Nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Tài chính, tháng 4/2018.

2. Nguyễn Hồng Sơn - Phan Chí Anh, Phụ nữ khởi nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.

3. Văn phòng Đề án 844, 2018, truy cập từ http://dean844.most.gov.vn/ ngày 12/2/2018;

4. Aurelian (2008), “Considerations regarding the SME’s access to finance”, Vol 70, No 1

5. Baptista R., & Mendonca J. (2009). Proximity to knowledge sources and the location of knowledge-based startups. The Annals of Regional Science, 45(1), 5-29.

6. Bates T., Robb A., 2013, Greater access to capital is needed to unleash the local economic development potential of minority-owned businesses, Economic Development Quarterly, 27(3): 250-259.

TS. Vũ Xuân Thủy

ThS. Nguyễn Lê Đức

Trường Đại học Thương mại

Bạn đang đọc bài viết Tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quản lý rủi ro cho các dự án đầu tư phát triển đô thị
Quản lý rủi ro là một quá trình có hệ thống gồm xác định RR, đánh giá mức độ tác động và khả năng xuất hiện RR, phản ứng với RR. Có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau hoặc kết hợp các phương pháp để cho ra kết luận đúng đắn về RR cho dự án đầu tư phát triển đô thị.