Hoàn thành dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua ngựa vào quý 1/2022

24/11/2021, 09:09

TCDN - Các dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có) Bộ Tài chính phải hoàn thành trong quý I năm 2022.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Chỉ thị nêu rõ, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021). Căn cứ quy định của Luật PPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việc ban hành các văn bản nêu trên, cùng với việc triển khai thi hành các văn bản khác có liên quan trong thời gian qua đã tạo dựng khung pháp lý cao, đồng bộ, ổn định cho việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải...; đồng thời nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.

Tuy nhiên, việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn tồn tại một số hạn chế. Văn bản quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong một số lĩnh vực chuyên ngành chưa được ban hành kịp thời; việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất theo yêu cầu quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP chưa được thực hiện một cách chủ động, kịp thời, hiệu quả và bảo đảm đồng bộ với quy hoạch, danh mục dự án nhà nước thu hồi đất... dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt triển khai tổ chức đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ; việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng chưa hiệu quả, dẫn đến chưa đạt được sự đồng thuận cao, thống nhất trong cách hiểu và tổ chức triển khai thực hiện mô hình dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ như sau:

Các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Điều 93 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP:

Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng chi phí và các khoản thu trong lựa chọn nhà đầu tư; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn về khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và mẫu hợp đồng dự án, hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Bộ GTVT khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông (trong đó có mẫu hợp đồng BOT) để áp dụng thống nhất đối với các dự án giao thông trọng điểm; hoàn thành trong quý I năm 2022.

Trong quá trình thực hiện báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2021 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT tổng kết đánh giá việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP thời gian vừa qua; trên cơ sở đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực của xã hội, hoàn thành trong quý III năm 2022.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình, bao gồm: Nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung chi tiết tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hợp đồng dự án phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế theo pháp luật chuyên ngành và nội dung cần thiết khác theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP; hoàn thành trong quý II năm 2022.

Đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải, Bộ TN&MT thống nhất với Bộ Xây dựng về cơ quan ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2021. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan được giao ban hành thông tư trong quý II năm 2022.

Các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Điểm b Khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP

Các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa như sau:

Bộ Công Thương: Các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...), thủy điện nhỏ; phát triển và quản lý chợ và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I năm 2022.

Bộ GTVT: Các dự án xây dựng, kinh doanh công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I năm 2022.

Bộ Xây dựng: Các dự án cung cấp nước sạch đô thị và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I năm 2022.

Bộ Tài chính: Các dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua chó, đua ngựa và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý I năm 2022.

Bộ NN&PTNT: Các dự án sản xuất nước sạch nông thôn và các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành khác (nếu có); hoàn thành trong quý II năm 2022.

Bộ KH&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; hoàn thành trong quý II năm 2022.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Hoàn thành dự án kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế, đua ngựa vào quý 1/2022 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Casino, cá độ: 'Thị trường Việt Nam còn quá nhỏ bé'
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.
3 loại đặt cược được phép kinh doanh gồm đua ngựa, đua chó và thí điểm với bóng đá quốc tế
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP không đề xuất mở rộng phạm vi đặt cược, chỉ làm rõ về danh mục giải đấu bóng đá quốc tế được phép đặt cược. Theo đó, chỉ có 3 loại đặt cược được phép kinh doanh gồm đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.