Hơn 50 đơn vị chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư được giao
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay còn 21 Bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao với số vốn khoảng 16.000 tỷ đồng.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 6/12, Bộ Tài chính cho biết, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 708.252,4 tỷ đồng.
Kế hoạch ngân sách Trung ương chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.432 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2023 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 67.976,0 tỷ đồng. Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 54.864,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 29.664,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 25.200,2 tỷ đồng.
Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2023 (kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang) là 831.092,89 tỷ đồng.
Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn, theo Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 là 414.488,5 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 831.092,89, đạt 49,87% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là 494.249,8 tỷ đồng, đạt 59,47% kế hoạch, cụ thể:
Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 là 24.811,7 tỷ đồng, đạt 45,22% kế hoạch (54.864,5 tỷ đồng). Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là 33.269,7 tỷ đồng, đạt 60,64% kế hoạch.
Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2023, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 là 389.676,8 tỷ đồng, đạt 50,20% kế hoạch (776.228,3 tỷ đồng). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 51.881 tỷ đồng (đạt 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/11/2023 là 460.980 tỷ đồng, đạt 59,39% kế hoạch (đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch và đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 62.920 tỷ đồng (đạt 51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng để giải ngân nguồn lực lớn vốn đầu tư công còn lại. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Bộ Tài chính cho hay, hiện nay còn 21 Bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, vì vậy đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc phân bổ kế hoạch năm 2023 đối với số vốn chưa bổ (khoảng 16.000 tỷ đồng); đánh giá khả năng thực hiện đến hết 31/01/2024, chủ động đề xuất số vốn tiếp tục kéo dài theo quy định tại Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ và theo khả thực hiện, tránh trường hợp đề xuất kéo dài nhưng hết thời gian quy định không giải ngân được (hiện nay số vốn kéo dài của kế hoạch năm 2022 sang năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 60,64% kế hoạch) gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn.
Đồng thời chủ động có phương án phân bổ kế hoạch năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, tránh trường hợp giao vốn thành nhiều lần trong năm.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản xác định cụ thể mức vốn cho từng dự án thành phần và nhu cầu bố trí vốn từ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 bố trí cho 03 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 trong từng năm 2023, 2024 và 2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899