Hợp tác công – tư phát triển bền vững ngành nghêu
TCDN - Ngành nghêu đang phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và mang lại lợi ích to lớn đối với các tỉnh sở hữu nguồn lợi nghêu ven biển. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững ngành này đang là thách thức lớn, đòi hỏi sự hợp tác cả công và tư để giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề.
Đây là kết quả nghiên cứu thị trường trong nước đối với ngành nghêu của các chuyên gia thuộc Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ, do Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng các đối tác là Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI).
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia, hiện vùng nuôi nghêu của Việt Nam chủ yếu tập trung tại các tỉnh khu vực phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, khu vực phía Bắc chủ yếu tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Diện tích nuôi nghêu cả nước đạt 19.100 ha với sản lượng đạt hơn 179 nghìn tấn. Sản phẩm nghêu xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt tại 42 thị trường trên thế giới, hiện thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU, Mỹ, Bắc Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Giá trị xuất khẩu nghêu đạt hơn 62 triệu USD.
Đại diện nhóm nghiên cứu thị trường trong nước cho biết, sản phẩm nghêu được coi là sinh kế quan trọng và cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 300 cơ sở/nhà máy chế biến thủy sản, chiếm 47% cơ sở ả nước, trong đó, khoảng 270 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu hàng thủy sản vào EU, có tổng công suất chế biến trên 1,2 triệu tấn/năm, chiếm gần 86% công suất chế biến thủy sản đông lạnh cả nước.
Tuy nhiên, số lượng cơ sở có chế biến nghêu cho thị trường trong nước và xuất khẩu chỉ khoảng 15% số lượng này.
Thực trạng phát triển ngành nghêu còn không ít khó khăn. Hiện ngành này đang đối diện không ít thách thức do nguồn nguyên liệu khan hiếm, thiếu bền vững. Cụ thể: hiện nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu ngành nghêu đang trong tình trạng khan hiếm. Tình hình chung khi phỏng vấn một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu là nguồn nguyên liệu không ổn định, dẫn đến việc một số công ty phụ thuộc vào thương lái, phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc khi có nhiều đơn hàng lớn dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, đẩy mức giá tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn với yêu cầu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế từ người mua nước ngoài.
Để phát triển nghêu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long theo hướng bền vững, các chuyên gia nhận định, cần có sự hợp tác cả công và tư trong giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách quy hoạch cụ thể về giao hoặc cho thuê đất nước mặn cho các thành phần kinh tế, doanh ngiệp, hợp tác xã hay hộ cá thể để họ có thể nuôi trồng ổn định, lâu dài. Quy hoạch vùng phát triển nghêu, đặc biệt phải có biện pháp phát triển nhanh diện tích nuôi nghêu ở các khu vực mới, học hỏi theo mô hình kinh tế tập thể đã thành công như tổ hợp tác, hợp tác xã.
Mặt khác, để gia tăng sản lượng và giá trị cho ngành nghêu, cần khai thác hợp lý các lợi thế về giống tự nhiên và diện tích đất bãi bồi ven biển.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899