Khánh Hòa: Không có phép khai thác, doanh nghiệp vẫn kê khai sản lượng, nộp thuế, phí

08/10/2020, 15:05
báo nói -

TCDN - Cục Thuế và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa vừa phát hiện một chuyện “động trời” khi có nhiều doanh nghiệp không được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn kê khai sản lượng khai thác, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Sở TNMT Khánh Hòa vừa báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch số 3098 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hoạt động quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản cát, sỏi và đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh và công văn số 3765 của UBND tỉnh về triển khai kết luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo đó, Sở TNMT Khánh Hòa đã thực hiện nghiêm việc không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép mới hoạt động khoáng sản đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường. Kiên quyết không tham mưu xem xét gia hạn khai thác đối với các khu vực nhạy cảm, có khả năng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản…

Tuy nhiên, theo danh sách thống kê của Cục Thuế tỉnh phát hiện 9 doanh nghiệp không được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn kê khai sản lượng khai thác nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường tháng 7/2020. Cục Thuế tỉnh đã chuyển hồ sơ sai phạm của 9 doanh nghiệp này qua Sở TNMT tỉnh Khánh Hoà để xử lý. 

Hình ảnh khai thác cát trái phép khu vực Hồ Tà Lua, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm xảy ra liên tục, nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý.

Hình ảnh khai thác cát trái phép khu vực Hồ Tà Lua, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm xảy ra liên tục, nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý.

Trong số các doanh nghiệp trên có 4 doanh nghiệp ở Tp.Nha Trang gồm: Công ty CP Á Châu, Công ty TNHH Hoàng An Nha Trang, Công ty TNHH Thương mại DVDL Hưng Phát Nha Trang và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thế Giới Xanh; 3 doanh nghiệp ở huyện Khánh Vĩnh gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Kiên Cường NT, Công ty TNHH Dịch vụ - Xây dựng Khánh Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Thương mại Tân Lộc Khánh; 1 doanh nghiệp ở thị xã Ninh Hòa là Công ty TNHH Khoáng sản và vật liệu Việt Nam và 1 doanh nghiệp ở Tp.Cam Ranh là Công ty TNHH Đông Đô.

Sau những sự việc trên, UBND tỉnh tiếp tục có công văn chỉ đạo vấn đề này. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở TNMT, Cục Thuế tỉnh, các sở, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh, đồng thời tham mưu dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc; chấn chỉnh công tác quản lý của cơ quan, chính quyền địa phương liên quan theo quy định pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Mới đây nhất, Lãnh đạo Sở TNMT Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo Thanh tra sở kiểm tra, rà soát nhiều doanh nghiệp vi phạm khác do Cục Thuế tỉnh chuyển qua. Danh sách gồm 2 doanh nghiệp kê khai sản lượng tài nguyên bất hợp pháp gồm: Công ty TNHH MTV Cát Cam Ranh Fico, Công ty Cổ phần Suối khoáng nóng Cam Ranh; 9 doanh nghiệp kê khai sản lượng tài nguyên có dấu hiệu khai thác bất hợp pháp gồm: Công ty Cổ phần Á Châu, Công ty TNHH Ponaga, Công ty TNHH Hải Đăng, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại du lịch Toàn Thắng, Công ty TNHH KVCONS, Công ty TNHH Quốc Hân, Công ty TNHH Thành Nguyên Phát, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Thắng Phát, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Kiên Cường NT.

Theo lãnh đạo Sở TNMT, tại điểm 1 Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh về quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân mua, bán khoáng sản do khai thác trái phép mà có. Vì vậy, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm kiểm tra việc khai thác, kinh doanh khoáng sản, khi phát hiện việc khai thác hoặc mua bán khoáng sản trái phép, ngoài việc truy thu các khoản thuế, phí liên quan, phải tiến hành lập hồ sơ xử phạt theo quy định của pháp luật.

Vậy câu hỏi đặt ra là cơ quan chức nào tại địa phương đang dung túng cho các doanh nghiệp này khai thác khoáng sản trái phép? Đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay các doanh nghiệp sai phạm để bảo vệ nguồn lợi tài nguyên khoáng sản, tránh thất thoát.

Nghị định 36/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản 

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng;

b) Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng;

c) Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người; khắc phục tình trạng hạn hán, lũ lụt, thiếu nước; buộc thực hiện việc trám lấp giếng, các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các giải pháp phục hồi môi trường khu vực khai thác;

b) Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác;

c) Buộc thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa; các biện pháp vận hành hồ chứa để đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ; các biện pháp vận hành, cắt giảm lũ cho hạ du; các biện pháp vận hành bảo đảm lưu lượng nước sau công trình trong mùa cạn hàng năm; các biện pháp vận hành đảm bảo mực nước tối thiếu của hồ chứa trong mùa cạn; các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước ở hạ du hồ chứa;

d) Buộc khắc phục các thiệt hại đối với các hành vi vi phạm gây ra lũ, lụt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa;

đ) Buộc thực hiện các giải pháp phục hồi đất đai, môi trường;

e) Buộc san lấp công trình thăm dò; thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phục hồi môi trường và giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản;

g) Buộc san lấp các công trình thăm dò, phục hồi môi trường trong diện tích khu vực đã thăm dò vượt ra ngoài diện tích được phép thăm dò; phục hồi môi trường khu vực đã thăm dò; buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường;

h) Thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn; phục hồi đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

i) Buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản; đúng hệ thống khai thông, chuẩn bị (đối với khai thác hầm lò), hệ thống mở vỉa (đối với khai thác lộ thiên); đúng trình tự khai thác; đúng hệ thống khai thác; đúng các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; đổ thải đúng vị trí đã xác định trong Thiết kế mỏ/Báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt; đúng khung thời gian khai thác hoặc đúng số lượng, chủng loại thiết bị khai thác trong giấy phép hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép (đối với cát, sỏi lòng sông, suối, hồ);

k) Buộc thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra;

l) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc nâng cấp, duy tu, xây dựng đường giao thông;

m) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra;

n) Buộc giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản;

o) Buộc san lấp, tháo dỡ công trình vi phạm; buộc dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy; buộc di chuyển máy móc, thiết bị, tài sản ra khỏi khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản;

p) Buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm;

q) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ khoản tiền sử dụng thông tin về khoáng sản theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, nộp bổ sung phần tiền do chậm nộp;

r) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, cụ thể như sau:

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác nước cho các mục đích sản xuất phi nông nghiệp khác với sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm bằng (=) tổng lượng nước khai thác nhân (x) giá bán nước sạch cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với lĩnh vực khoáng sản là toàn bộ số tiền tương ứng với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác nhân (x) với giá của một đơn vị khối lượng khoáng sản tính thuế tài nguyên (tấn, m3, kg,...) tại thời điểm xác định mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) đi chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản đó.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phí, lệ phí khác theo quy định do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách nhà nước thì các khoản chi phí trên được trừ đi khi tính số lợi bất hợp pháp.

s) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm;

t) Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Thái Minh (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Khánh Hòa: Không có phép khai thác, doanh nghiệp vẫn kê khai sản lượng, nộp thuế, phí tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận