"Khó khăn trong việc giải thể doanh nghiệp không nằm ở quy định về thuế"

23/07/2020, 11:27

TCDN - Nếu đề cập đến các quy định về thuế hiện hành thì nhìn chung không có quy định nào gây khó cho doanh nghiệp khi muốn giải thể. Ở đây chỉ có một vướng mắc lớn nhất là nằm ở cơ chế quản lý thuế hiện hành...

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) “chết” mà không được “chôn” có phần do vướng quy định về thuế, Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco khẳng định, khó khăn trong quá trình giải thể của doanh nghiệp không nằm ở các quy định về thuế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

Thưa ông, một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng”, đó là thực trạng DN “chết” mà không được “chôn”, hay nói cách khác là DN còn gặp nhiều khó khăn khi muốn giải thể DN. Nhìn từ góc độ luật pháp, theo ông hiện nay, DN đang gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào khi muốn giải thể?

Ông Hà Huy Phong: Giải thể DN là thủ tục chủ sở hữu chấm dứt hoạt động của DN một cách tự nguyện và dựa trên điều kiện là đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định với cơ quan nhà nước, người lao động và các bên thứ ba khác.

Nhìn chung, xét về hình thức thì các thủ tục giải thể DN đã được quy định tương đối đơn giản, thông thoáng và không quá phức tạp. Nhưng vướng mắc lớn nhất khiến DN “chết” mà không thể “chôn” lại nằm ở các khía cạnh có tính nội dung, tức là thủ tục xử lý các điều kiện giải thể.

Cách-thức-giải-thể-doanh-nghiệp-qua-mạng-điện-tử

Xét riêng về điều kiện giải thể thì DN phải hoàn thành mọi nghĩa vụ với Nhà nước trước khi giải thể. Song, thời gian để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định chính xác việc DN đã hoàn thành mọi nghĩa vụ hay chưa thì không thể rất nhanh như mong muốn của DN.

Vì lẽ đó, thời gian giải thể DN có thể bị kéo dài. Như vậy có thể thấy, khó khăn trong quá trình giải thể của DN không nằm ở thủ tục giải thể, mà nằm ở khâu xác minh điều kiện giải thể.

Trong đó, cơ quan thuế mất nhiều thời gian để xác minh và xác định chính xác việc DN đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế hay chưa; từ đó mới có thể xác định DN đã đủ điều kiện để giải thể DN, theo quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến các quy định về thuế, theo ông, có vướng mắc nào khiến DN gặp khó khăn khi muốn giải thể DN không?

Ông Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, nếu đề cập đến các quy định về thuế hiện hành thì nhìn chung không có quy định nào gây khó cho DN, khi muốn giải thể DN. Ở đây chỉ có một vướng mắc lớn nhất là nằm ở cơ chế quản lý thuế hiện hành.

Cụ thể là, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, Luật Quản lý thuế đã tạo cơ chế cho DN được tự kê khai thuế và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu cũng như quá trình kê khai thuế, nộp thuế.

Về phía mình, hiện tại, cơ quan thuế cũng đang quản lý theo phương thức quản lý rủi ro, tức là nếu cơ quan thuế phát hiện ra người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm quy định thì mới tiến hành thanh tra, hoặc kiểm tra sau, chứ không tiến hành xác minh tính chính xác của số liệu ngay tại thời điểm DN kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, khi DN giải thể, thì phải trải qua thủ tục kê khai quyết toán thuế và cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, chứng từ thuế trong vòng 5 năm gần nhất để xác minh lại tính chính xác của số liệu và tính tuân thủ của DN trong quá trình chấp hành quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, cơ quan thuế phải kiểm tra rất nhiều hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ kế toán mà DN đã xử lý, thực hiện. Điều này dẫn tới thời gian quyết toán thuế kéo dài.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, việc cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong kê khai, nộp thuế… dường như đã đẩy cơ quan quản lý thuế phải “ôm” những gánh nặng trong quá trình xác định nghĩa vụ thuế của DN.

Bản chất đây là hệ quả phát sinh từ cơ chế hậu kiểm của cơ quan quản lý đối với đối tượng quản lý. Có thể coi đó như là việc các cơ quan quản lý nhà nước đang chịu những phần thiệt thòi hơn để có thể tạo ra nhiều cái lợi hơn cho DN.

Từ những vấn đề chia sẻ ở trên, theo ông, về dài hạn cần làm gì để có thể hạn chế tình trạng có quá nhiều DN đã “chết” mà chưa được “chôn”; cơ quan thuế cũng giảm được áp lực công việc khi phải theo dõi và quản lý những DN này ?

Ông Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, về cơ chế, cơ quan quản lý thuế cần nghiên cứu và đề xuất lên Quốc hội, Chính phủ những giải pháp có tính chiến lược và dài hơi hơn liên quan đến vận hành nền kinh tế, trong đó bao gồm việc quản lý thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý DN nói chung, trong đó có hoạt động kê khai, nộp thuế của DN.

Ý nghĩa của các giải pháp như vậy là nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong hoạt động kê khai, nộp thuế ngay tại thời điểm DN thực hiện kê khai thuế và nộp thuế.

Theo đó, hệ thống sẽ tự động phát hiện những sai phạm, gian lận khi tiếp nhận những dữ liệu của DN. Nếu trong tương lai chúng ta có thể tiến tới thực hiện được như vậy, thì sẽ không còn tình cảnh dồn việc xác định lại nghĩa vụ thuế tại thời điểm quyết toán thuế.

Như vậy, khi DN có nhu cầu giải thể, cơ quan thuế sẽ rút ngắn được thời gian xác minh DN đã hoàn thành mọi nghĩa vụ thuế với Nhà nước hay chưa, để từ đó có thể xác định DN đã đủ điều kiện giải thể theo quy định và được thực hiện giải thể DN một cách nhanh chóng.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hà (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Khó khăn trong việc giải thể doanh nghiệp không nằm ở quy định về thuế" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan