Phó thủ tướng: Kiên quyết cho giải thể, phá sản dự án nếu không thế phục hồi

03/04/2020, 10:56

TCDN - Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn".

Sáng 3/4, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.

Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải

Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải "gánh" việc xử lý các dự án thua lỗ của ngành công thương.

Nhấn mạnh quan điểm “dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản”, Phó thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ kết quả cụ thể, cũng như những khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ. “Tinh thần chung là phải tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp”, Phó thủ tướng nói.

Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Phó thủ tướng nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi.

Vì thế, Phó thủ tướng yêu cầu các đại biểu cho ý kiến thẳng thắn, trực tiếp về hướng xử lý từng dự án theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như, có bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của người lao động, ổn định môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không?

Dự án nào cần tiếp tục được tái cơ cấu để phục hồi, các biện pháp nào Nhà nước có thể hỗ trợ để có phương án khả thi? Dự án nào cần khẩn trương xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động, phá sản để không phát sinh thiệt hại cho Nhà nước?

Nêu rõ quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này, Phó thủ tướng nêu rõ: “Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn”, Phó thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 10/2019, với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến 2018 và 8 tháng đầu năm 2019 đã có 2 nhà máy có lãi, là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt Trung. Trong 3 dự án trước đây bị dừng hoạt động đến nay chỉ có 1 dự án vận hành trở lại. Còn với 3 dự án xây dựng dở dang đều gặp khó khăn.

Chính phủ khẳng định, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án. Hiện nay có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này. Tổng dư nợ đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng. Chính phủ cho biết nhiều dự án vẫn đang tăng lỗ.

Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lỗ 208,807 tỷ, tăng lỗ 94,258 tỷ so với cùng kỳ 2018. Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc lỗ 342 tỷ, tăng lỗ 138,928 tỷ. Và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất lỗ luỹ kế 3.841,31 tỷ, tăng lỗ 1,4%. Tổng nợ phải trả 6.918,53 tỷ, tăng 1%.

Dự án nhà máy sản xuất sơ xợi Polyester Đình Vũ lỗ luỹ kế 5.120,2 tỷ, tăng lỗ 12%. Tổng nợ phải trả 7.806,1 tỷ, tăng 1,56%.

Bên cạnh đó, phải kể đến nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi lỗ luỹ kế 983.70 tỷ, tăng lỗ 14,8%, tổng nợ 1.304,90 tỷ. Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ luỹ kế 1.396,64 tỷ, tăng lỗ 14,67%. Tổng nợ 1.842,97 tỷ, tăng 3,88%. Và dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tổng nợ phải trả đến 31/8/2019 lên đến hơn 3.000 tỷ.

Nhung Hoàng
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng: Kiên quyết cho giải thể, phá sản dự án nếu không thế phục hồi tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan