Khởi tố 10 bị can vụ Đông Á Bank cho vay 5 nhóm khách hàng

28/12/2018, 07:43

TCDN - Các nhóm Hiệp Phú Gia, nhóm Nguyễn Thị Ngọ, nhóm Tân Vạn Hưng, nhóm Đồng Tiến và nhóm M&C vay Đông Á Bank với số dư cả gốc và lãi tới 31/7/2017 là khoảng 17.000 tỷ đồng.

dong-a-bank-1152

Nhiều nhóm khách hàng của Đông Á Bank với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng khó có khả năng thu hồi

Khởi tố 6 vụ án, 10 bị can

Ngày 27/12, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), liên quan đến việc DAB chi lãi ngoài cho một số tổ chức gửi tiền tại DAB.

Đáng chú ý, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 vụ án và 10 bị can gồm: Trần Phương Bình, cựu TGĐ DAB; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó TGĐ DAB; Nguyễn Đức Tài, cựu Giám đốc DAB Sở giao dịch; Nguyễn Chí Công, phó trưởng Phòng Tín dụng DAB Sở giao dịch; Phạm Huy Luận, Giám đốc DAB Chi nhánh quận 4, TP HCM; Nguyễn Quang Thọ, nguyên phó giám đốc DAB Chi nhánh quận 9, TP HCM; Vũ Đức Dũng, phó giám đốc DAB Chi nhánh quận 4, TP HCM; Nguyễn Văn Bảo, trưởng Phòng Tín dụng DAB Chi nhánh quận 4, TP HCM; Phạm Chiến Quốc, trưởng Phòng Tín dụng DAB Chi nhánh quận 9, TP HCM; Nguyễn Tăng Ngọc Linh, cựu phó giám đốc DAB Chi nhánh quận 10, TP HCM.​

Các bị can bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015; liên quan đến sai phạm của các khoản vay thuộc nhóm Hiệp Phú Gia, nhóm Nguyễn Thị Ngọ, nhóm Tân Vạn Hưng, nhóm Đồng Tiến và nhóm M & C.

Sau khi được VKSND Tối cao phê chuẩn, ngày 25/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 10 bị can nêu trên.

Việc ra quyết định tố tụng trên nằm trong diễn biến điều tra giai đoạn vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn I, đã truy tố và xét xử 26 bị can về ba nhóm tội danh, tổng thiệt hại 3.600 tỉ đồng.

Quá trình thực hiện các quyết định và lệnh nêu trên đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật. 6 vụ án nêu trên thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; hiện nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang khẩn trương điều tra mở rộng vụ án, thu hồi tài sản khắc phục hậu quả thiệt hại do bị can gây ra.

Ở giai đoạn I của vụ án, TAND TP. HCM ngày 20/12 đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tù chung thân về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt bị cáo Bình phải chấp hành là tù chung thân. HĐXX phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp với bản án 8 năm tù trước đó, bị cáo thi hành hình phạt 25 năm tù. 23 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm tù hưởng án treo đến 30 năm tù giam.

8 nhóm khách hàng vay Đông Á Bank 31.591 tỷ đồng

Tại Kết luận điều tra giai đoạn I của vụ án ngày 2/4/2018, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã xác định có 8 nhóm khách hàng lớn vay tiền của DAB, gồm:

Nhóm Nam Kim gồm 5 khách hàng (4 công ty và 1 cá nhân), tổng dư nợ 679 tỷ đồng. Tại thời điểm 15/2/2017, nhóm Nam Kim đã tất toán các khoản vay tại Đông Á Bank.

Nhóm Đặng Phước Dừa gồm 2 khách hàng doanh nghiệp, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 6,55 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 2 con tàu đang hoạt động. Nhóm này đang trả gốc và lãi đúng hạn theo cơ cấu của Ngân hàng.

Nhóm Phát Đạt dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 8.808 tỷ đồng, gồm 4.976 tỷ đồng tiền gốc và 3.832 tỷ đồng tiền lãi. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo hợp pháp, trị giá tài sản lớn (theo hợp đồng thế chấp trị giá 9.484 tỷ đồng, theo kết quả định giá lại là 5.397 tỷ đồng). Đại diện nhóm Phát Đạt cam kết thực hiện tích cực để thu hồi nợ trong thời gian sớm nhất.

Nhóm 586 gồm 8 công ty và 1 cá nhân, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 5.273 tỷ đồng (gồm 3.513 tỷ đồng tiền gốc và 1.760 tỷ đồng tiền lãi). Kết quả điều tra xác định có dấu hiệu vi phạm quy định về cho vay trong việc thẩm định và cho khách hàng vay vốn. Các khoản vay có tài sản đảm bảo với trị giá 3.272 tỷ đồng, theo định giá lại là 3.181 tỷ đồng. Một số khoản vay đã được bán nợ cho VAMC. Đại diện nhóm 586 đang đàm phán để xử lý các tài sản thu hồi nợ.

Nhóm Đồng Tiến gồm 2 công ty, dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 1.432,8 tỷ đồng (gồm 1.005,9 tỷ đồng nợ gốc và 427,4 tỷ đồng tiền lãi), trị giá tài sản đảm bảo là 719,7 tỷ đồng, không đủ để trả nợ gốc.

Nhóm M&C gồm 10 công ty với dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 4.205 tỷ đồng tiền gốc và 3.354 tỷ đồng tiền lãi. Tài sản đảm bảo được định giá 1.204 tỷ đồng, không đủ để trả nợ gốc cho các khoản vay. Cơ quan điều tra nhận định nhóm M&C khó có khả năng trả nợ gốc và lãi, quá trình cho vay có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Nhóm Tân Vạn Hưng gồm 2 công ty và 3 cá nhân với dư nợ tại thời điểm 31/7/2017 là 593 tỷ đồng tiền gốc và 453,8 tỷ đồng tiền lãi. Tài sản đảm bảo là bất động sản, được định giá 181,9 tỷ đồng, không đủ điều kiện để trả nợ gốc và lãi cho khoản vay. Đây là nhóm khách hàng có nhiều sai phạm, tính chất phức tạp, khoản vay chồng chéo, không hợp tác cùng Đông Á Bank để xử lý nợ.

Nhóm Hiệp Phú Gia có 20 khách hàng (14 doanh nghiệp, 6 cá nhân) với dư nợ tới ngày 31/7/2017 là 6.864 tỷ đồng (4.164 tỷ đồng gốc và 2.700 tỷ đồng lãi). Tài sản đảm bảo 6.043 tỷ đồng, được định giá lại là 3.013 tỷ đồng, không đủ để trả nợ cho các khoản vay. Nhóm Hiệp Phú Gia có hai nhóm: Nhóm Công ty TNHH Hiệp Phú Gia là 'sân sau' của ông Trần Phương Bình và nhóm CTCP Vốn Thái Thịnh có quan hệ làm ăn với ông Bình, do ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, điều hành.

Kết quả điều tra 8 nhóm khách hàng nêu trên xác định tổng dư nợ gốc và lãi tính đến thời điểm 31/7/2017 là 31.591,4 tỷ đồng, gồm 19.085,4 tỷ đồng nợ gốc và 12.505,9 tỷ đồng tiền lãi; tổng giá trị tài sản đảm bảo theo hợp đồng thế chấp là 25.454,6 tỷ đồng, được định giá lại tại thời điểm 31/7/2017 (bởi Đông Á Bank hoặc Exima định giá thời điểm tháng 5/2016) là 13.724,9 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, trong giai đoạn điều tra của vụ án, nhiều nhóm khách hàng đã chủ động hoàn trả nợ cho Đông Á Bank, như nhóm Nam Kim hay Phát Đạt.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Khởi tố 10 bị can vụ Đông Á Bank cho vay 5 nhóm khách hàng tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận