"Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước"

31/12/2021, 10:11

TCDN - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong năm 2022 sẽ kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước…

Tại Hội nghị tổng kết công tác Giá năm 2021, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong năm 2022, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan đề ra.

Theo đó, Cục Quản lý giá chú trọng đến các giải pháp sau: Tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và chính phủ đề ra; song song đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn biểu dương thành tích của các đơn vị trong Cục Quản lý giá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn biểu dương thành tích của các đơn vị trong Cục Quản lý giá.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hướng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết.

Chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá.... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho rằng, năm 2022 công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, sự cạnh tranh của các nước lớn. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn yêu cầu Cục Quản lý giá cần phải nhạy bén, bản lĩnh và công tâm trong công tác quản lý, điều hành giá; cần đánh giá kỹ các vấn đề nổi lên về giá, để chủ động có định hướng chính sách phù hợp.

Về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đề nghị tập trung sửa đổi Luật giá theo cơ chế thị trường, phân cấp phân quyền trong điều hành giá; tăng cường sự quản lý nhà nước tập trung vào xây dựng cơ chế chính sách, kiểm tra, kiểm soát; sớm đưa vào thực hiện các quy định quản lý giá có thông lệ quốc tế tốt; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giá, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về giá...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng cơ chế quản lý giá, từng bước xây dựng cơ chế quản lý giá phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Chiến lược phát triển của ngành Tài chính trong giai đoạn mới.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Năm 2021 lạm phát dự kiến khoảng 1,9%
Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo lạm phát năm 2021 khoảng 1,9%, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và quyết tâm kiểm soát của Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra. Lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8 - 0,9%.
'Áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn'
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay, những áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.