Năm 2021 lạm phát dự kiến khoảng 1,9%

17/12/2021, 15:26

TCDN - Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo lạm phát năm 2021 khoảng 1,9%, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và quyết tâm kiểm soát của Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra. Lạm phát cơ bản năm 2021 dự báo khoảng 0,8 - 0,9%.

Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa họp tổng kết công tác điều hành giá năm 2021 và định hướng năm 2022.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Trưởng Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2021, công tác điều hành giá gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, công tác quản lý, điều hành giá đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% và được kiểm soát ở mức thấp, dự kiến khoảng 1,9%.

Theo nhận định của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, năm 2021 tác động từ đại dịch ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng thế giới, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa thể giải quyết, vấn đề địa chính trị giữa các quốc gia, việc thiếu hụt nguồn nguyên nhiên vật liệu, chất bán dẫn nửa cuối năm… là những yếu tố gây khó khăn, thách thức đến công tác quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, nhờ chủ động, linh hoạt trong điều hành, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp.

Năm 2021 lạm phát dự kiến khoảng 1,9%.

Năm 2021 lạm phát dự kiến khoảng 1,9%.

Dự báo về lạm phát năm 2022, đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước cho rằng, áp lực lạm phát là rất lớn. Trong đó, gói kích thích kinh tế hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng nhưng cũng tạo áp lực lên lạm phát. Dự báo trong năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2021.

Theo dự báo, có rất nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2022. Theo đó, giá nhiên liệu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường; giá vật liệu xây dựng chịu áp lực từ tác động giá thế giới và nhu cầu đầu tư khi kinh tế phục hồi; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào dịp lễ, tết; giá phân bón, thức ăn chăn nuôi có thể tăng do tác động chi phí đầu vào tăng.

Đối với giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý dự kiến nếu phải điều chỉnh theo lộ trình thị trường sẽ tác động tới mặt bằng giá cả, như giá dịch vụ giáo dục, giá điện, nước sinh hoạt, giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Nhóm giúp việc sẽ tính toán kỹ lưỡng để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá phương án điều hành giá trong năm 2022.

Về cơ bản, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2022 tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Năm 2021 lạm phát dự kiến khoảng 1,9% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

'Áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn'
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay, những áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.
GDP tăng trưởng chậm lại, áp lực lạm phát gia tăng
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, dịch còn diễn biến phức tạp, hệ quả tác động còn có thể kéo dài trong khi tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đang chậm lại áp lực lạm phát gia tăng, việc phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng là khó khăn…
Giá thịt lợn cao, nguy cơ đẩy lạm phát năm 2020 tăng
Hiện giá thịt lợn hơi ở mức 75.000-90.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường từ 140.000-180.000 đồng/kg. Nếu giá thịt lợn tiếp tục đứng ở mức cao như vậy sẽ là áp lực đối với lạm phát năm 2020.