"Kiệt sức" vì Covid-19, nhiều doanh nghiệp tính trả mặt bằng kinh doanh
TCDN - Công ty Savills Việt Nam vừa đưa ra báo cáo và nhận định về triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, Savills cho rằng trong thời điểm thế giới đang có những căng thẳng về thương mại cùng nhiều diễn biến xã hội bất ổn, dịch cúm COVID-19 đã bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế tại các nước đang có dịch, trong đó có Việt Nam, và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản. Thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và bất động sản công nghiệp, thị trường nhà ở cũng không hề được “miễn dịch” bởi đại dịch này.
Nhìn lại sự bùng nổ của SARS vào năm 2003 và tác động của nó đến kinh tế, từ đó đánh giá tác động của dịch COVID-19. Nhiều bài viết về so sánh sự tương đồng giữa dịch COVID-19 và đại dịch SARS năm 2003 như hai dịch bệnh gây hàng loạt ảnh hưởng đối với nền kinh tế, xuất phát từ Trung Quốc sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước trong khu vực.
Dịch SARS xuất hiện vào thời điểm khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, khác với COVID-19 hiện tại khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển. Điều này có thể gây ra những gián đoạn kinh tế theo diện rộng. Dịch SARS xuất phát điểm tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào gần cuối năm 2002 và chấm dứt vào khoảng tháng 6/tháng 7 năm 2003, khi thời tiết trở nên ấm áp. SARS đạt đỉnh dịch vào khoảng tháng 3/tháng 4 năm 2003.
“Nếu sự bùng phát của COVID-19 tương tự như SARS, chúng ta có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tuy nhiên nửa cuối năm sẽ ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng”, Savils nhận định.
Đối với thị trường bán lẻ, Virus Corona có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến. Bà Trang chia sẻ thêm “Hoạt động mua sắm trực tuyến sẽ có tác động tiêu cực đến các cửa hàng truyền thống tại các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố. Sẽ có một số tác động gây ảnh hưởng dài hơn mà có thể làm tăng tốc những thay đổi mang tính công nghệ trong cách sống, làm việc và mua sắm của chúng ta, trong khi các tác động khác chỉ mang tính tạm thời. Giá thuê sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường.
Nhìn chung, các chủ đầu tư thương mại/ chủ nhà sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ ngắn hạn cho các khách thuê.”
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2020, cùng với tác động Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2020, xử phạt nghiêm khắc đối với người uống rượu bia mà vẫn lái xe, dịch COVID-19 tiếp thêm 1 đòn tác động lên ngành ẩm thực.
Theo khảo sát của Savills gần đây cho thấy, doanh thu một số nhà hàng đã giảm lên đến 50% trong tháng 2 so với các tháng trước đó. Sự bùng phát dịch COVID-19 là bước ngoặc mà tại điểm này các chủ kinh doanh ẩm thực đưa ra định hướng kinh doanh, trong khi chủ nhà phố cần xem xét điều chỉnh giá thuê phù hợp hơn.
Trong thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê.
Đơn cử như tại Tp.HCM, đối với các nhà phố rao thuê tại các khu phố nổi tiếng về ẩm thực như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế (Quận 1), nguyên nhân khó tìm khách thuê trong thời điểm này chủ yếu là do yêu cầu thuê nguyên căn; thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ. Để thu hút khách thuê, chủ nhà cung cấp giá thuê giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.
Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà cũng có những động thái thương lượng hổ trợ khách thuê về giá thuê; như một số chủ nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê đến khách thuê kinh doanh nhà hàng hay giảm 30% đến 50% giá thuê trong ngắn hạn đối với khối kinh doanh cửa hàng tiện ích (CVS).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899