Doanh nghiệp "đuối sức" vì Covid-19: Không chỉ nhìn mỗi mặt tiêu cực

12/03/2020, 20:45
báo nói -

TCDN - Hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đều gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây lại là cơ hội để doanh nghiệp mở ra một hướng kinh doanh mới, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại diện lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày 12/3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại diện lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày 12/3.

"Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào. Chúng ta cần chống đại dịch trên 3 mặt trận, chống dịch - chống suy thoái doanh nghiệp và thất nghiệp”.

Phát biểu trên được Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đưa ra tại hội nghị Thủ tướng với các tập đoàn kinh tế tư nhân, ngày 12/3.

"Đạn dược chúng ta ít"

Theo Chủ tịch FPT, mới đây Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có khảo sát với 1.200 doanh nghiệp, trong đó cho biết, 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Ông Bình cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năng lực ứng phó thấp, không nhiều đơn vị chủ động các biện pháp chống dịch, nên tác động của đại dịch này tới sức khoẻ doanh nghiệp càng lớn. Lúc này, nếu sai một bước đi thì tốn vô cùng vì "đạn dược chúng ta ít".

Hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ, hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ sớm tới được với họ. 

Có mặt tại buổi gặp, đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng. 

Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%. Họ buộc lùi tiến độ khai trương loạt công trình và phải tạm đóng cửa một số khu vực. "Thu nhập người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng", đại diện Sun Group nói.

Cùng cảnh ngộ, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, riêng mảng khách sạn ước tính thiệt hại nặng từ cuối tháng 1 đến nay, chưa kể các mảng dịch vụ khác.

Đại diện Hãng hàng không Vietjet nói, doanh thu của hãng đã giảm một nửa trong quý 1. Nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, mở thêm đường bay mới tới Ấn Độ..., song kế hoạch cũng tạm dời vì dịch bệnh lây lan. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.

"Chúng tôi mong được giảm lãi suất vay trong 2-3 năm để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Tất nhiên đi cùng đó là điều kiện doanh nghiệp phải cam kết sử dụng vốn hiệu quả", lãnh đạo Vietjet nói. 

Vietjet cũng đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng hàng không. Hiện mỗi lít xăng gánh 3.000 đồng thuế môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay. "Đây là thuế gián thu, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không", vị đại diện Vietjet nói.

Tại cuộc găp, hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ, hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ sớm tới được với họ. 

Ủng hộ chính sách của Nhà nước coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cho rằng, Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, mong được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này khẳng định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như lò xo bị nén lại, nay bật lên.

Khủng hoảng cũng tạo ra động lực

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, nỗi sợ thường làm tê liệt con người, tổ chức, nền kinh tế và gây ra thiệt hại nặng nề.

"Cuộc chiến chống Covid-19 giống như "đang đá trận quan trọng thì trời đổ mưa" và chúng ta sẽ thua ngay nếu cứ lo bị ướt. Còn nếu nghĩ "thiệt mình thì thiệt người, lợi mình cũng lợi người lại có thể tìm ra thời cơ", ông Quang nói.

Chủ tịch Masan cho rằng, với mỗi doanh nghiệp ưu tiên lúc này là ổn định đội ngũ, ổn định xã hội bằng cách đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Và quan trọng, cần một đội trưởng để điều phối.

“Trước đây người Việt Nam vẫn quen với các thị trường truyền thống, đi mua phải "tận mặt, tận nơi", thì khi dịch xảy ra sẽ là cơ hội của thị trường trực tuyến. "Khủng hoảng luôn là động lực kích hoạt sự thay đổi và mảng online sẽ có bước phát triển lớn", ông nói. Tập đoàn này có kế hoạch để ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, lúc này doanh nghiệp nên "chuyển mọi thứ lên online, tăng cường chất lượng dịch vụ nội bộ". Hiện FPT đang xây dựng các công cụ làm việc trực tuyến để duy trì mức làm việc như cũ mà không phụ thuộc vào dịch.

Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết lúc này.

Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ góp ý, đây chính là lúc các doanh nghiệp Việt phải gắn kết cùng nhau gia tăng giá trị. Thái Lan đang làm mạnh cách này, trong khi Việt Nam thì chưa bởi tư duy "mạnh ai nấy lo". "Doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, đưa ra các đề nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành thì mới hiệu quả", ông Kỳ nói.

Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh rằng, càng khó khăn, càng thử thách lòng người, các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta có sức đề kháng tốt, đã tự đề ra một chương trình hành động cụ thể để có thể vươn ra trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn.

Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa để làm sao có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp vấp phải.

“Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đấy là cái tiền đề rất quan trọng chứ không phải phát triển làm phá vỡ hệ thống của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để kinh tế suy thoái, mọi người thất nghiệp, khó khăn.

Thủ tướng nhất trí cho rằng, nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.

Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Chính phủ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

 “Chúng ta sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19”, Thủ tướng tuyên bố.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta. Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan”.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp có các kịch bản để bảo đảm hoạt động doanh nghiệp liên tục, không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp "đuối sức" vì Covid-19: Không chỉ nhìn mỗi mặt tiêu cực tại chuyên mục Ý kiến của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan