Kinh tế chia sẻ dễ bị thâu tóm, lũng đoạn
TCDN - Ông Đinh Quang Khải, Phó trưởng Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng đầu tư trong một số mô hình kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và lũng đoạn.
Sáng 8/12, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo “Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”.
Theo Dự thảo báo cáo “Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”, trong giai đoạn vừa qua, tuy một số loại hình kinh tế chia sẻ (KTCS) mới bước đầu phát triển ở Việt Nam nhưng đã cho thấy ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế trong nền kinh tế, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với quy mô dân số 96,2 triệu người (năm 2019), trong đó 68,8% dân số đang sử dụng điện thoại di động (tương đương 64 triệu người), số lượng điện thoại di động, máy tính đang sử dụng cũng rất lớn (trên 130 triệu thuê bao điện thoại di động, trên 47 triệu thuê bao băng rộng di động là máy điện thoại, 13 triệu thuê bao internet băng rộng cố định…), tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở mức cao trong khu vực, tỷ lệ lao động trẻ tuổi cao và thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút đầu tư phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng.
Ông Đinh Quang Khải cho rằng, đầu tư trong một số mô hình kinh tế KTCS có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm và “lũng đoạn”.
Ông Khải phân tích, hiện đang có xu hướng các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ đẩy mạnh mua lại cổ phần chi phối tại các công ty thuộc loại hình KTCS ở Việt Nam. Thậm chí các tập đoàn nước ngoài chấp nhận thua lỗ trong ngắn hạn để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia các mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài.
Trên thực tế, Grabcar, Uber, Fastgo… đã đầu tư đầu tư mở thị trường và phát triển mạng lưới chi phối thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến Việt Nam; tương tự, lĩnh vực dịch vụ chia sẻ phòng ở cũng chủ yếu do Airbnb, Expedia,…chi phối.
Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thị trường dịch vụ P2P lending đang chủ yếu do các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Indonesia, Singapore…chi phối.
“Vì vậy nếu không khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thì có thể dẫn đến hiện tượng bị nước ngoài chi phối hoàn toàn thị phần KTCS trong nước. Ngoài ra, các đối tác khác của mô hình KTCS khi không cập nhật được thông tin, công nghệ sẽ trở thành đối tượng yếu thế, mất việc làm… vì không theo kịp hoặc bị hình thức kinh doanh mới thống lĩnh, chiếm thị phần”, ông Khải nhấn mạnh.
Đồng thời ông Đinh Quang Khải cũng đề nghị nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam để xác định lỗ hổng pháp lý.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay biến thể của KTCS đang xuất hiện, vì vậy cần phải có dự báo về tình hình KTCS trong thời gian tới để có khung chính sách cho phù hợp.
Đặc biệt, theo ông Phạm Xuân Hòe, không gian mạng rất rộng. Hiện nay các tập đoàn IT của Việt Nam chỉ đi gia công là chính, lệ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Trong khi đó, đặc trưng của mô hình KTCS là sự xuất hiện của nền tảng kết nối, sử dụng công nghệ kỹ thuật số và luôn luôn đổi mới công nghệ để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì vậy, ông Phạm Xuân Hòe kiến nghị vấn đề về nền tảng kỹ thuật số cũng như tài nguyên dữ liệu số cần được đưa vào chính sách và khung pháp lý của nhà nước.
Một số loại hình KTCS chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay gồm:
Vận tải trực tuyến: Grab, Uber, Fastgo…
Chia sẻ phòng ở lưu trú: mô hình Airbnb ở Việt Nam, Luxstay…
Tài chính ngân hàng: loại hình Fintech, công ty P2P lending…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899