Nguy cơ thất thu thuế từ các loại hình kinh tế chia sẻ
TCDN - Thời gian gần đây mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, kèm theo đó là nguy cơ thất thu thuế từ loại hình kinh doanh này.
100 công ty P2P lending đã đi vào hoạt động chính thức tại Việt Nam
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở Việt Nam, mặc dù kinh tế chia sẻ (KTCS) chưa phát triển mạnh như tại nhiều nước trên thế giới, nhưng trong những năm gần đây, mô hình này đã có bước phát triển nhanh chóng.
Trong lĩnh vực vận tải ở Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong 2 năm (tháng 01/2016 -01/2018) thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (Grab car), cả nước đã có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện và thu hút hàng chục ngàn lao động tham gia thí điểm.
Trong lĩnh vực lưu trú du lịch, ước tính đến tháng 1/2019 đã huy động được khoảng 18.230 cơ sở lưu trú tham gia mô hình Airbnb ở Việt Nam và còn nhiều cơ sở kinh doanh chia sẻ phòng ở, phòng làm việc đăng ký ở các ứng dụng khác.
Ngoài việc toàn dụng phương tiện, tài sản nhà rỗi để đưa vào kinh doanh, có một tỷ lệ đáng kể là các phương tiện, tài sản được đầu tư mới cho mục đích kinh doanh theo mô hình KTCS.
Đối với loại hình kinh tế chia sẻ kết hợp văn phòng-khách sạn, theo số liệu thống kê các dự án bất động sản do Bộ Xây Dựng thẩm định thiết kế cơ sở, từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 58.000 căn hộ Officetel đã được đầu tư xây dựng thuộc trên 130 dự án, trong đó có 60 dự án với trên 17.000 căn officetel và trên 70 dự án với khoảng trên 41.000 căn Condotel. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn căn Condotel, officetel đã được đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thẩm định thiết kế cơ sở theo thẩm quyền. Tính riêng năm 2019, tổng số căn hộ Officetel tại các dự án được Bộ xây dựng thẩm định là 702 căn.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp gồm Viettel, VNPT, Mobiphone, Gtet đã thực hiện ký kết thỏa thuận sử dụng chung vị trí trạm BTS. Tổng số trạm mà các doanh nghiệp này thỏa thuận sử dụng chung với nhau là gần 2.100 trạm, nhờ đõ đã làm tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng.
Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, loại hình Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech…
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam, trong số khoảng 100 công ty P2P lending đã đi vào hoạt động chính thức và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở Việt Nam, phần lớn là các công ty của nhà đầu tư nước ngoài (Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan…). Trong đó, có một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia….
Trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, đã thu hút đầu tư của một số công ty cung cấp nền tảng để chủ nguồn thải ở Việt Nam có thể sử dụng như Rada, mGreen, Grae, Kalava để yêu cầu dịch vụ thu gom chất thải có khả năng tái chế và phân loại tại nguồn (từ tháng 1/2018, công ty cổ phần Rada đã triển khai ứng dụng “Rada” giúp người dùng đặt dịch vụ theo yêu cầu, trong đó có dịch vụ thu gom chất thải điện tử).
Thiếu cơ chế quản lý giao dịch thanh toán xuyên biên giới
Theo Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp KTCS có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam chỉ nộp được thuế TNDN theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài.
Đồng thời, Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách để quan lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Thậm chí, khi đã có các quy định bắt buộc về nghĩa vụ thuế, để đảm bảo tuân thủ pháp luật chặt chẽ đúng quy trình thì cũng cần sự tham gia tích cực của các bên kinh doanh theo mô hình KTCS trong việc kê khai, cung cấp thông tin.
“Tình hình đó gây ra nguy cơ thất thu thuế và sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các loại hình KTCS ở Việt Nam”, dự thảo nhận định.
Bên cạnh đó, việc kê khai thuế đối với doanh nghiệp KTCS cũng gặp khó khăn do hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và cơ quan thuế cũng lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế, do đó rất cần có cơ chế thử nghiệm chính sách để việc thu thuế đúng sát với bản chất giao dịch.
Cũng theo Dự thảo, do đặc thù có tính đan xen giữa các ngành nên gặp khó khăn trong phân loại thu nhập, sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với từng bên tham gia mô hình KTCS. Ngoài ra, do hầu hết các doanh nghiệp KTCS áp dụng công nghệ kinh doanh trên mạng nên cơ quan thuế khó xác định doanh thu của cơ sở để nộp thuế do giao dịch chủ yếu là các văn bản điện tử nên phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Nhà nước ta chưa có các bộ công cụ sử dụng để giám sát và thống kê các giao dịch điện tử trong các loại hình KTCS.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian là các nhà thầu nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra, giám sát và thu thuế của các nhà cung cấp này do họ không đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Việc quy định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong nước có nghĩa vụ kế khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cũng khó khả thi do Việt Nam đã tham gia và ký kết 76 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần nên các quy định về nộp thuế sẽ phải tuân thủ theo các quy định của các Hiệp định này.
Đáng chú ý, rủi ro “kép” về thuế và quản lý ngoại hối còn xảy ra đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng trong trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế, như thuế TNDN, thuế nhà thầu.
Đối với trường hợp người tham gia giao dịch cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì khó có khả năng truy thu được thuế thu nhập; hoặc nếu người tham gia lại không cho vay bằng các đồng tiền pháp định (VNĐ hoặc các đồng tiền ngoại tệ khác) mà cho vay bằng tài sản ảo, tiền kỹ thuật số…, thì việc quản lý, giám sát, phòng chống rửa tiền, thu thuế thu nhập, quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền vào, ra của nền kinh tế, đăng ký khoản vay nước ngoài, cho vay nước ngoài trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Dự thảo đánh giá, khi các loại hình kinh tế chia sẻ phát triển quá nhanh, quy mô lớn trong nền kinh tế, dẫn tới thu hẹp thị phần của kinh tế truyền thống, thì việc thất thu thuế sẽ tác động bất lợi đến cán cân thu – chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc không kiểm soát hết các dòng tài chính vào, ra của nền kinh tế, hoặc khi xảy ra trường hợp thị trường KTCS Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng, chi phối gây ra đảo chiều bất thường các dòng tài chính, sẽ gây bất lợi cho cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899