Thu thuế từ thương mại điện tử: Mới chỉ 10/18.300 tổ chức, cá nhân tự giác nộp

17/08/2020, 08:28
báo nói -

TCDN - Theo dữ liệu từ các Ngân hàng thương mại, có 18.304 tổ chức, cá nhân thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Tuy nhiên, mới chỉ có 10 tổ chức, cá nhân tự giác khai, bổ sung thuế.

Kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài về

Mặc dù quy định hiện nay các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) phải chịu thuế. Tuy nhiên việc thu thuế còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ thất thu hàng trăm tỷ đồng thuế.

Theo phân loại của Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT có 3 nhóm lớn, gồm: bán hàng thông qua trang mạng xã hội (bán hàng online); có thu nhập thông qua hoạt động viết các ứng dụng, trò chơi và hưởng thu nhập từ quảng cáo qua các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube...); các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...).

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan (các Ngân hàng thương mại…) trong việc kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…).

Thu thuế từ thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Thu thuế từ thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tổng số tổ chức, cá nhân kinh doanh doanh thương mại điện tử (chủ yếu bán hàng trên mạng) do Cục Thuế và các Chi Cục Thuế khai thác 15.528 tổ chức, cá nhân.

Dữ liệu do các Ngân hàng thương mại cung cấp hiện nay có 18.304 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, Youtube,...). Tổng số thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube là: 1.462.737.529.716 đồng.

Tại TP. Hà Nội, từ năm 2017, Cục thuế TP Hà Nội đã rà soát và gửi tin nhắn SMS thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng, đến thời điểm hiện tại có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế.      

Tuy nhiên, mới chỉ có 49 tổ chức, cá nhân tự giác khai bổ sung; 554 tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra. Tổng số thuế và tiền phạt thu nộp được là: 22.777.759.429 đồng (trong đó, số thuế thu được: 18.938.505.790 đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp: 3.839.253.639 đồng).

Dữ liệu do các Ngân hàng thương mại cung cấp hiện nay có 18.304 tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng có thu nhập do cung cấp dịch vụ có thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội nước ngoài (Google, Facebook, Youtube,...). Tổng số thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube là: 1.462.737.529.716 đồng.

Trong số đó mới chỉ có 10 tổ chức, cá nhân tự giác khai bổ sung; 89 tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra. Tổng số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp thu nộp được là: 13.994.080.331 đồng (trong đó, số tiền thuế: 11.062.886.441 đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là: 2.931.193.890 đồng).

Theo Tổng cục Thuế, năm 2016, 2017, 2018 đã thu được thuế từ tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài với số thuế tương ứng là 46,86 tỷ đồng, 90,48 tỷ đồng và 151,77 tỷ đồng bao gồm thuế GTGT và thuế TNDN.

Phối hợp Bộ Công an xác định nhân thân người nộp thuế

Liên quan tới việc nguy cơ thất thu nguồn thuế từ TMĐT, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thừa nhận, hiện nay cơ quan quản lý gặp khó khăn trong quá trình thu thập hồ sơ.

Cụ thể, giao dịch giữa các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT thường là các giao dịch điện tử nên cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu. Để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, cơ quan thuế phải phối hợp thu thập dữ liệu từ các cơ quan liên quan như: Ngân hàng, Cơ quan truyền thông,...Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số Ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp cấp với lý do: hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng.

Hoạt động thương mại điện tử diễn ra ngày càng sôi động.

Hoạt động thương mại điện tử diễn ra ngày càng sôi động.

Bên cạnh đó, do dữ liệu của các Ngân hàng thương mại đa phần là dữ liệu cũ (xác định dữ liệu khách hàng đăng ký từ nhiều năm trước), dẫn đến nhiều trường hợp các cá nhân không còn cư trú tại địa điểm theo dữ liệu của các Ngân hàng và các dữ liệu chuyển tiền. Vì vậy nhiều trường hợp không xác minh được thông tin.

Theo Tổng cục Thuế, trong thời gian tới, cơ quan Thuế thực hiện phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xác định nhân thân của người nộp thuế.

Thực hiện thu thập dữ liệu từ các Công ty trung gian vận chuyển, các ứng dụng trung gian vận chuyển; dữ liệu từ các Ngân hàng, ví điện tử để xác định dòng tiền. Trên cơ sở các thông tin thu thập, đối chiếu, xác định doanh thu khoán,... để thực hiện công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, cơ quan thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT thông qua các hình thức: tổ chức hội nghị tập huấn chính sách thuế; Chuyển thư ngỏ của Cơ quan thuế đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân nắm đầy đủ các nội dung chính sách thuế về kinh doanh TMĐT.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế. Trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua Cơ quan Cảnh sát điều tra để thực hiện điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Thu thuế từ thương mại điện tử: Mới chỉ 10/18.300 tổ chức, cá nhân tự giác nộp tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan