Lao động Việt Nam được hưởng lợi gì từ CPTPP?

16/11/2018, 07:38

TCDN - Theo các kịch bản được dự báo, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động.

lao dong
Nhiều cơ hội việc làm sẽ được tạo ra cho người lao động. Ảnh minh họa: MĐ.

Sẽ có khoảng 17.000 việc làm mới được tạo ra mỗi năm

Liên quan đến những tác động của CPTPP đối với thị trường lao động Việt Nam, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin, từ năm 2011 đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu về đánh giá tác động đối với Việt Nam của việc tham gia các hiệp định thương mại như TPP, CPTPP. Các kết quả đánh giá tác động nhìn chung đều khả quan dựa trên giả thiết Việt Nam tham gia tích cực và có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Riêng về khía cạnh lao động, việc làm, các nghiên cứu của viện này trong thời gian gần đây cũng thể hiện việc tham gia CPTPP cho thấy khả năng tăng thêm việc làm là khá tốt. Cụ thể, đối với CPTPP mặc dù mức việc làm tạo ra chỉ bằng một nửa so với TPP song số việc làm được tạo ra mỗi năm theo tính toán từ năm 2020 trở đi là từ 17.000 – 27.000 việc làm. Còn đối với các hiệp định thương mại tự do khác như số việc làm được tạo ra cũng chiếm từ 18.000 – 19.000 việc làm.

“Nếu nhìn riêng từng hiệp định thì có thể thấy số việc làm được tạo ra là không lớn lắm nhưng nếu nhìn trong tình hình chung, sự đóng góp của tất cả các hiệp định đối với số việc làm được tạo ra thì quy mô cũng chiếm đáng kể trong bối cảnh tạo việc làm ngày càng khó khăn hơn” - ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vinh, với việc tham gia CPTPP các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, dưới tác động của hiệp định thì phân hóa tiền lương sẽ diễn ra nhiều hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này sẽ đặt ra thách thức cần điều chỉnh trong các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề và an sinh xã hội.

Sẵn sàng tận dụng cơ hội

Cho rằng CPTPP đem lại khởi sắc cho thị trường lao động Việt Nam, song ông Vinh cũng nhấn mạnh đến những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt, đặc biệt trong việc tận dụng cơ hội mà hiệp định mang lại. Theo ông Vinh, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động thì cần chuẩn bị nhân lực, nguồn lực về đầu tư, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp để sản xuất và đảm bảo hàng hóa được các thị trường trong hiệp định chấp nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế theo nhiều nghiên cứu của viện này cho thấy các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường có sự nghiên cứu và chuẩn bị tốt hơn các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nghiên cứu được thực hiện vào cuối năm 2017 khi CPTPP gần như đã đàm phán xong nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch cụ thể để sẵn sàng tham gia. Thậm chí, có những doanh nghiệp chưa biết về hiệp định hoặc biết rất chung chung. Khi hỏi về các điều khoản, cam kết về lao động thì rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ” - ông Vinh thông tin. .

Riêng đối với những lo ngại về việc có cơ hội việc làm được tạo ra song sẽ có việc làm bị suy giảm, ông Vinh khẳng định các kịch bản nghiên cứu đều cho thấy phần lớn các quan hệ thương mại giữa các hiệp định đều có tính chất bổ sung cho nhau, do đó những tác động trực tiếp đến giảm hoặc mất việc làm là không nhiều.

Song như đã nhấn mạnh ở trên, theo ông Vinh, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là có tận dụng được các cơ hội hay không, chẳng hạn có thể tạo ra 10.000 việc làm nhưng do năng lực của chúng ta chỉ đáp ứng được 5.000 thì một nửa việc làm còn lại sẽ bị bỏ phí. Do đó, trong các kịch bản về đánh giá tác động của CPTPP sắp tới, ông Vinh cho rằng cần xem xét thêm các “cú sốc” khác để có những dự báo cụ thể hơn./.

Theo Thoibaotaichinh

Bạn đang đọc bài viết Lao động Việt Nam được hưởng lợi gì từ CPTPP? tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận